3 năm ngày WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu

Hôm nay 11/3 cũng đánh dấu tròn 3 năm Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Trải qua 3 năm “chung sống” cùng đại dịch, giờ đây chúng ta tự tin khẳng định đã hiểu rõ hơn về COVID-19 cũng như tìm được cách khắc chế nó để từng bước quay trở lại cuộc sống bình thường.

THẾ GIỚI THAY ĐỔI…

3 năm, gần 7 triệu người thiệt mạng, gần 800 triệu ca mắc bệnh, đây là con số thương vong mà COVID-19 gây ra. Con số thực tế chắc chắn lớn hơn rất nhiều…

Hàng trăm nghìn bệnh viện dã chiến được thành lập trên toàn cầu: chật chội, đông đúc. Những hình ảnh người chết không còn chỗ chôn đầy ám ảnh.

Tất cả các quốc gia ít nhiều đều đóng cửa. Hàng loạt quy định hạn chế đi lại, yêu cầu tiêm ngừa vaccine được ban hành…

Nền kinh tế bị trì trệ, hoàng loạt các công ty phá sản, hàng triệu người mất việc, khó khăn kinh tế vì ảnh hưởng của dịch bệnh đè nặng cuộc sống của hàng tỉ người…

TỪNG BƯỚC CHIẾN THẮNG ĐẠI DỊCH…

Đau thương, ám ảnh…

Thế nhưng, thế giới hôm nay bước sang năm thứ tư của đại dịch với vị thế tốt hơn nhiều so với cách đây 1 năm. Việc Trung Quốc, đất nước đầu tiên phát hiện các ca bệnh COVID-19, chính thức dỡ bỏ chính sách hạn chế nghiêm ngặt “không COVID”, có thể coi là bước ngoặt trong cuộc chiến kéo dài ứng phó với virus SARS-CoV-2.

Từ đeo khẩu trang, rửa tay, hạn chế tiếp xúc, cách ly…

Rồi tới vaccine và chiến dịch tiêm chủng, thuốc điều trị COVID-19, bộ xét nghiệm nhanh tại nhà, các loại thuốc kháng virus và các phương pháp điều trị mới…

Tất cả biến COVID-19 dần dần trở thành bệnh đặc hữu. Giờ đây, COVID-19 không còn làm gián đoạn cuộc sống, và việc du lịch, lễ hội, đến trường, đi làm của chúng ta… đã có thể diễn ra bình thường như trước đại dịch.

VẪN CẦN CẢNH GIÁC

Dù COVID-19 hiện không còn là nỗi lo thường trực như trước, nhưng WHO tiếp tục đánh giá dịch bệnh này vẫn là tình trạng y tế khẩn cấp trên toàn cầu. Thế giới vẫn cần cảnh giác trước những biến chủng mới. Tuy nhiên, những mất mát mà đại dịch gây ra trong 3 năm qua đã giúp chúng ta nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của đoàn kết và hợp tác toàn cầu. WHO kỳ vọng, một thỏa thuận về đại dịch toàn cầu sớm được đưa ra sẽ giúp thế giới xích lại gần nhau hơn, để sẵn sàng và chủ động ứng phó với các cuộc khủng hoảng y tế có thể xảy đến trong tương lai.

Hồng Nhung