4 tháng đầu năm 2022: Phân bổ không kịp thời, giải ngân vốn đầu tư công chậm

Là động lực quan trọng cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế nhưng giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm 2022 tiếp tục trì trệ.

Một trong những nguyên nhân quan trọng đó là việc chưa phân bổ vốn kịp thời từ 2 chương trình quan trọng là Chương trình mục tiêu Quốc gia và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đây là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm khi thảo luận tại tổ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.

Quốc hội đã quyết nghị về mức bố trí vốn đầu tư phát triển để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 là 100.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội nhận định sau, gần một năm rưỡi, nguồn vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia chưa được phân bổ cụ thể đến các bộ, ngành, địa phương, gây lãng phí nguồn lực. 

Ông HOÀNG ĐỨC THẮNG, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị: “Các chương trình mục tiêu Quốc gia là động lực cho phát triển kinh tế của đất nước, nhưng tất cả vẫn đang nằm trên giấy, chúng ta cần phải quyết liệt trong thời gian tới làm sao phải giải ngân cho được nguồn vốn này. Nếu cứ để tình trạng này thì rất có thể năm 2022 sẽ không giải ngân được. Chính phủ phải cam kết hứa như thế nào để giải ngân nguồn vốn này.” 

Các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần quan tâm, sớm triển khai thực hiện tốt gói hỗ trợ, để thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch. Bởi mặc dù Nghị quyết 43 năm 2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội ban hành rất kịp thời, tuy nhiên, đến thời điểm này việc thực hiện vẫn có độ trễ lớn, nguồn vốn vẫn chưa được phân bổ. 

Ông NGUYỄN PHÚ CƯỜNG, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội: “Nghị quyết số 43 của Quốc hội chưa phân bổ vốn. Gói phục hồi kinh tế cho đầu tư công có độ trễ lớn, bồi thường giải phóng mặt bằng để khởi động cho dự án phải mất hàng năm, nhiều dự án có sân bay Long Thành nhưng do quy định pháp luật không thể nào đưa ngay để giải tỏa được.”

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, mặc dù đã có nguồn lực, nhưng rất cần giải pháp mới cho những vấn đề đã cũ. Vấn đề mà Quốc hội, Chính phủ quan tâm hiện nay là việc chi ngân sách rất khó khăn. Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp. 

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Vấn đề Quốc hội, Chính phủ quan tâm ở đây là chi ngân sách nói chung khó khăn vì khả năng hấp thụ vốn rất thấp. Giải ngân vốn đầu tư công chỉ mười mấy phần trăm, OAD chỉ hơn 32%… Gói kích thích chưa giải ngân được đồng nào. Tiền có sẵn rồi mà không tiêu được."

Cũng tại phiên họp tổ ngày 25.3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thông tin: Chậm giải ngân vốn đầu tư công, trong đó, việc chậm giải ngân và phân bổ vốn 13 chương trình mục tiêu Quốc gia đã được Chính phủ nhận diện và xác định sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được giải quyết trong những tháng cuối năm 2022.

Ông NGUYỄN CHÍ DŨNG, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã thành lập các đoàn công tác, tổ chức nhiều hội nghị hội thảo và Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đôn đốc trong việc giải ngân vốn, trên tinh thần cao nhất là tháo gỡ khó khăn của chương trình phục hồi kinh tế, các chương trình mục tiêu Quốc gia."

Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị việc phân bổ vốn, đặc biệt là vốn để thực hiện 3 chương trình mục tiêu Quốc gia phải tuân thủ điều kiện, thứ tự ưu tiên theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, không phân tán, dàn trải.

Nguyễn Duyên