5 đại biểu Quốc hội là liệt sĩ trong Kháng chiến chống Pháp

Tại Kỳ họp thứ 3, tháng 12/1953, Ban Thường trực Quốc hội tưởng niệm những đại biểu đã hy sinh trong kháng chiến, gồm Luật sư Thái Văn Lung, Cán bộ Công đoàn Lý Chính Thắng, Bác sĩ Nguyễn Văn Luyện, Nhà báo Trần Kim Xuyến và Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố.

 “Đối với các vị ấy, nhân dân, Quốc hội, Chính phủ đều mến yêu mãi mãi. Các vị đại biểu kể trên đã từ trần vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì nhiệm vụ kháng chiến, thiệt xứng đáng là đại biểu của nhân dân Việt Nam anh dũng” – Báo cáo của Ban Thường trực Quốc hội ghi nhận. 

1. Thái Văn Lung 
+ Sinh năm: 1916 trong một gia đình Công giáo
+ Quê quán: Thủ Đức, tỉnh Gia Định
+ Quốc tịch: Pháp
+ Chức vụ: Tiểu đoàn trưởng quân đội/ Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Định 
+ Hy sinh: 1/7/1946 tại Nam Bộ     

 Sau khi du học tại Pháp về nước, ông Thái Văn Lung làm luật sư tại Tòa Thượng thẩm Sài Gòn.

Sau đó, ông tham gia kháng chiến và được cử làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến quận Thủ Đức. Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội lần đầu tiên, ông trúng cử ở tỉnh Gia Định. 

Trong một cuộc bao vây, thực dân Pháp bắt được luật sư Thái Văn Lung, sau đó ông bị giết hại trong tù.

2.  Lý Chính Thắng (tên thật là Nguyễn Đắc Huỳnh)
+ Sinh năm: 1917
+ Quê quán: Sơn Lễ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh
+ Chức vụ: Chỉ huy trưởng mặt trận phía Đông - Sài Gòn/ Tổng Thư kí Tổng Công đoàn Nam Bộ (10/1945)/ Đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn
+ Hy sinh: 28/9/1946 tại bệnh viện Chợ Rẫy

Trong một trận đánh chống trả cuộc tấn công của giặc Pháp, Lý Chính Thắng bị thương, bị giặc Pháp bắt và tra trấn cực hình. Ông đã mất tại Bệnh viện Chợ Rẫy vì vết thương quá nặng.

3. Nguyễn Văn Luyện 
+ Sinh năm: 1898
+ Quê quán: xã Bồng Lai, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh 
+ Chức vụ: Đại biểu Quốc hội Thủ đô Hà Nội/ Ủy viên dự khuyết Ban Thường trực Quốc hội khóa I (3-10/1946)/Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội (11-12/1946) 
+ Hy sinh: 19/12/1946 khi chiến đấu bảo vệ Thủ đô cùng 2 con trai và em trai vợ.

Tốt nghiệp xuất sắc trường Y Đông Dương năm 1919, về nước, ông mở nhà thương tư nhân (số 167 phố Phùng Hưng – Hà Nội) nổi tiếng với tên "Nhà thương Ngõ Trạm". Ông còn sáng lập và làm Chủ nhiệm báo Tin mới.

Bác sĩ Nguyễn Văn Luyện được Nhà nước truy tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhất. 

4. Trần Kim Xuyến 
+ Sinh năm: 1921
+ Quê quán: Sơn Mỹ, Hương Sơn, Hà Tĩnh 
+ Chức vụ: Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang/ Ðổng lý Văn phòng (Chánh Văn phòng) Bộ Tuyên truyền/ Phó Giám đốc Nha Thông tin Tuyên truyền (trực tiếp phụ trách Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) nay là TTXVN). 
+ Hy sinh: Năm 1947, tại Trúc Sơn - Hà Đông

Nhà báo Trần Kim Xuyến trúng đạn liên thanh của quân Pháp, hy sinh tại Đầm Sen, xã Ngọc Sơn (nay là thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Ông là nhà báo Việt Nam đầu tiên, cán bộ Thông tấn đầu tiên hy sinh trong kháng chiến.

5. Nguyễn Văn Tố 
+ Sinh năm: 1889
+ Quê quán: Hà Đông (nay thuộc Hà Nội)
+ Chức vụ: Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định/ Bộ trưởng Cứu tế-Xã hội trong Chính phủ lâm thời/ Trưởng ban Thường trực Quốc hội (nay gọi là Chủ tịch Quốc hội) tại kỳ họp Quốc hội đầu tiên (2/3/1946)/ Bộ trưởng Không bộ - Chính phủ Kháng chiến. 
+ Hy sinh: Năm 1947, tại Bắc Kạn. 

Nguyễn Văn Tố là một học giả uyên bác được xếp vào hàng “tứ kiệt” đương thời (Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố, Phạm Duy Tốn). 

10/1947: Trong đợt tiến công của thực dân Pháp lên Việt Bắc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố bị bắt tại Bắc Kạn và anh dũng hy sinh. Ông là vị Bộ trưởng đầu tiên hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc./. 
 

Thúy Hiền