5 nhóm điểm mới của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Cuối giờ chiều 14/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

>> Toàn cảnh Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV 

Với 465/474 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, đạt 93,37%, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý còn 56 điều với 5 nhóm điểm mới, bao gồm:

Với phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị bạo lực gia đình làm trung tâm, sửa đổi, bổ sung các hành vi bạo lực gia đình; Đáng chú ý đã quy định hành vi bạo lực gia đình áp dụng với cả người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng.

Thực hiện phòng ngừa bạo lực gia đình chủ động, trong “phòng” có “chống”, trong “chống” có “phòng”. Luật bổ sung “Đường dây quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình” là địa chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác về bạo lực gia đình.

Bổ sung biện pháp yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình; bổ sung thẩm quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và Tòa án tự mình ban hành quyết định cấm tiếp xúc khi có căn cứ thấy rằng hành vi bạo lực gia đình đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình, bổ sung quy định về giám sát thực hiện cấm tiếp xúc; bổ sung biện pháp giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình; Đặc biệt, bổ sung biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng”.

 Khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình, đồng thời nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong bố trí nguồn lực cho phòng, chống bạo lực gia đình để hướng tới xây dựng và phát triển các cơ sở trợ giúp về phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.

Sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình và cơ quan, tổ chức có liên quan trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Luật sẽ có hiệu lực từ 10/7/2023./.