60+: Lương hưu – Điểm tựa an sinh tuổi già

Đến hết năm 2022, cả nước có hơn 17 triệu người tham gia BHXH, độ bao phủ mới đạt 38% lực lượng lao động trong độ tuổi và còn khoảng 28,4 triệu người chưa vào hệ thống. Khoảng 5,1 triệu người cao tuổi đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội hàng tháng.

Trong đó, 2,8 triệu người hưởng lương hưu; 630.000 người hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng; hơn 1,8 triệu người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Còn hơn 9 triệu người già trên 60 tuổi không nhận được bất kỳ khoản lương hưu nào, dự báo tăng lên 13 triệu vào năm 2030. Khảo sát của Chương trình Quỹ dân số Liên Hợp Quốc cho kết quả nguồn thu nhập của người già Việt Nam phần lớn đến từ sự hỗ trợ của con cái, tới 38%; 29% từ tiếp tục làm việc, chỉ 15% hưởng hưu trí và 10% nhận trợ cấp xã hội.

Trong gần 13 triệu người cao tuổi hiện nay thì có hơn 9 triệu người không có lương hưu và trợ cấp, phải sống dựa vào con cháu, người thân hoặc tiếp tục lao động mưu sinh. Tuy nhiên nghịch lý là: Trong khi hiện phần lớn người cao tuổi không lương hưu đang phải làm việc để tạo thu nhập, thì nhiều lao động còn trẻ, hoặc trung niên lại đi rút BHXH một lần, chấp nhận tuổi già không có chỗ dựa tài chính, bảo hiểm y tế. Có thể thấy tình trạng này tăng nhanh trong bối cảnh bao phủ BHXH chậm có thể tạo nên nguy cơ mất an ninh thu nhập tuổi già, làm tăng gánh nặng ngân sách chi trợ cấp xã hội cho người cao tuổi sau này. Và trước nghịch lý này đâu sẽ là giải pháp căn cơ hữu hiệu để giải quyết.

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi nội dung chương trình!

 

 

Như Thảo