70% cơ sở cai nghiện bắt buộc chưa đáp ứng yêu cầu tối thiểu về trang thiết bị

Tổ chức cai nghiện ma tuý tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc cai nghiện tự nguyện ngoài cộng đồng, xã hội còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về nhân lực, trang thiết bị và kinh phí. Đây là nội dung chính được đề cập đến trong Hội thảo “Đại biểu dân cử với việc thực hiện Chính sách, pháp luật về phòng chống HIV/AIDS và tệ nạn xã hội” được Uỷ ban Xã hội của Quốc hội tổ chức chiều 29/06 tại Đà Nẵng.

Để triển khai Luật Phòng, chống ma tuý được kịp thời, Nghị định 116/2021 quy định chi tiết một số điều của Luật, tuy nhiên việc triển khai thực hiện ở các địa phương vẫn còn khó khăn, nhất là công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.

Ông CAO VĂN THÀNH, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐTB&XH: "Cơ chế chuyển đổi từ việc tổ chức cai nghiện ma tuý gia đình ở cấp xã lên cấp huyện, và từ các cán bộ cấp xã làm kiêm nhiệm chuyển sang đơn vị cung ứng dịch vụ cai nghiện chuyên nghiệp hơn là các đơn vị sự nghiệp công lập hay các tổ chức cá nhân có đủ điều kiện cung ứng dịch vụ cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo Nghị định và Luật mới thì gần như chưa thực hiện được.”

Không có kinh phí thực hiện chính sách mới; điều kiện hoạt động của các cơ sở cai nghiện bắt buộc chưa được đảm bảo khi chỉ đáp ứng được 50-60% nhu cầu cai nghiện bắt buộc theo tiêu chuẩn; 70% cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu tối thiểu về trang thiết bị  là những khó khăn được chỉ ra. Đặc biệt là công tác về tuyển dụng, đào tạo, giữ chân cán bộ trong lĩnh vực này. 

Bà DƯƠNG THUÝ ANH, Phó Chánh Văn phòng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế: "Trong phạm vi quy định của Nghị định 109, phạm vi quy định chỉ đối với các cơ sở Y tế. Tất cả các nội dung chuyên môn chúng tôi đưa ra thì cũng đã dựa vào tình hình thực tế. Những khó khăn như anh Thành (Cao Văn Thành - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội -PV) đã nêu, sau đây Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ LĐTBXH để xem có thể hoàn thiện bổ sung thêm hoặc sửa theo Nghị định 116 để giải quyết thêm những khó khăn về nhân lực, điều kiện ở các cơ sở điều trị nghiện không được cấp giấy khám chữa bệnh hay không.”

Việc kiểm soát tình hình mại dâm trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội như hiện nay cũng được các đại biểu quan tâm. Người bán dâm không còn phổ biến ở khu vực có trình độ học vấn thấp mà đã mở rộng hơn, việc sử dụng các mạng xã hội để thực hiện hành vi mua bán dâm khiến công tác điều tra, triệt phá hoạt động mại dâm gặp nhiều khó khăn, từ đó cũng gây nguy cơ gia tăng ca nhiễm HIV/AIDS. 

Mỹ Phượng - Lê Quang