ADB: Việt Nam có thể đạt mục tiêu lạm phát dưới 4% trong năm 2022

Năm 2022, tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực nhờ có nhiều động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế. Dù đối mặt với nhiều bất ổn trên toàn cầu, nhưng với việc đưa ra và thực thi nhiều chính sách điều hành linh hoạt, Việt Nam vẫn có thể đạt mục tiêu lạm phát dưới 4% trong năm nay.

Phóng viên LÊ HƯƠNG: “Trong quý 1 năm nay, kinh tế Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng 5,03%, theo ông đâu là những động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế?”

Ông ANDREW JEFFERRIES - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á ADB tại Việt Nam: ADB cho rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 này vẫn rất khả quan, nhờ có nhiều động lực đóng góp cho tăng trưởng của nền kinh tế, có thể kể đến  ngành sản xuất, nông nghiệp và du lịch. Trong đó, ngành sản xuất và nông nghiệp được dự báo sẽ tăng 9,5% và 3,5% nhờ xuất khẩu và nhu cầu trong nước tăng mạnh. Trong khi đó, ngành du lịch được dự báo sẽ tăng trưởng 5,5% nhờ việc mở cửa hoàn toàn du lịch, và lượng khách du lịch trong cũng như ngoài nước được kỳ vọng sẽ cải thiện trong năm nay. Một yếu tố không thể bỏ qua đó là chương trình tiêm chủng vaccine rất hiệu quả, bên cạnh việc đưa ra những chính sách linh hoạt trong điều hành nền kinh tế. Trong đó, chương trình phục hồi kinh tế mà Quốc hội và chính phủ đã thông qua từ đầu năm nay được cho là sẽ đóng góp lớn cho quá trình phục hồi kinh tế.”

Phóng viên LÊ HƯƠNG: “Ông đánh giá như thế nào về những chính sách ưu đãi thuế mà Việt Nam đã và đang thực thi trong quá trình phục hồi kinh tế? Và theo ông, liệu Việt Nam có nên tiếp tục nới lỏng chính sách thuế cho doanh nghiệp hay không?”

Ông ANDREW JEFFERRIES - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á ADB tại Việt Nam: Trong bối cảnh Việt Nam cũng như nhiều nền kinh tế trên thế giới đang bắt đầu hồi phục trở lại sau đại dịch COVID-19, thì việc đưa ra các chính sách giảm thuế, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp là cần thiết. Có thể kể đến việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng VAT, giảm thuế bảo vệ môi trường. Tôi cho rằng, đây là các chính sách rất hiệu quả, mặc dù thực tế việc giảm thuế này sẽ tác động đến thu ngân sách, tuy nhiên chúng ta nên nhìn theo góc độ tích cực. Việc giảm thuế sẽ giúp giảm thiểu những tác động tiêu cực từ “vết sẹo kinh tế” gây ra bởi đại dịch COVID-19, đẩy nhanh các hoạt động kinh tế, nhờ đó sẽ giúp thúc đẩy quá trình phục hồi, và hoạt động của các DN sẽ khởi sắc hơn, đồng nghĩa với việc các DN sẽ đóng góp cho ngân sách nhiều hơn. Tôi nghĩ chúng ta nên coi nó giống như 1 khoản đầu tư cho tương lai.”

Phóng viên LÊ HƯƠNG: “Do những bất ổn trên toàn cầu, áp lực từ nguyên liệu đầu vào tăng cao sẽ tác động đến quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Theo ông, mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay liệu có khả thi hay không?”

Ông ANDREW JEFFERRIES - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á ADB tại Việt Nam: Việt Nam là nền kinh tế có độ mở rất lớn và có mối quan hệ thương mại với nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới. Do đó khi bất ổn leo thang, tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại, và tác động đối với Việt Nam là không thể tránh khỏi. Việc Cục dự trữ liên bang Mỹ FED tăng lãi suất cũng khiến lạm phát tại nhiều nước tăng lên, trong đó có Việt Nam. ADB dự báo lạm phát trong năm 2022 của Việt Nam sẽ tăng lên 3,8%. Tuy nhiên như tôi được biết, Chính phủ đang nỗ lực giảm thiểu những tác động tiêu cực đó bằng việc thực thi 1 loạt chính sách linh hoạt, và đặc biệt Việt Nam vẫn là 1 điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó chúng tôi rất lạc quan rằng, Việt Nam có thể đạt mục tiêu lạm phát như đã đề ra trong năm nay.”

Phóng viên LÊ HƯƠNG: “Cảm ơn ông đã tham gia chương trình!”

Trọng Hiếu