An ninh lương thực toàn cầu: Lúa mỳ khan hiếm, gạo thì sao?"

Thế giới đã ghi nhận thêm từ 11 đến 19 triệu người lâm vào cảnh “đói kém kinh niên”. Điều đó khiến người ta đặt câu hỏi rằng trong số ấy có bao nhiêu người đến từ châu Á? Trong bối cảnh lúa mỳ đang trở nên khan hiếm, gạo có nguy cơ trở thành một mặt hàng xa xỉ, ngoài tầm với của một phần dân số hay không?

Theo chuyên gia Sébastien Abis, Giám đốc Club Demeter, bộ phận nghiên cứu nông nghiệp và công nghiệp chế biến thực phẩm của Pháp, châu Á đang phải đối mặt với hiện tượng vật giá leo thang. Giá nông phẩm, lương thực tăng “đến chóng mặt”.

Trong khi đó, châu Á còn phải đối mặt với một thách thức khác, đó là kịch bản châu Phi hoặc Trung Đông chuyển hướng sang gạo châu Á sau khi mất đi nguồn cung lúa mỳ và ngũ cốc của Ukraine do cuộc xung đột kéo dài. Hệ quả kèm theo là giá gạo trên thế giới tăng cao và đe dọa trực tiếp “nồi cơm” của nhiều nước châu Á.

Riêng về câu hỏi châu Á có lo thiếu gạo hay không, chuyên gia Sébastien Abis cho rằng câu trả lời trước mắt là không. Theo ông, gần đây, châu Phi tiêu thụ gạo nhiều hơn. Các luồng giao thương giữa châu Á và châu Phi trở nên quan trọng hơn so với trước, chủ yếu là hướng sang các nước ở phía Nam sa mạc Sahara. Thế rồi, chính các quốc gia này cũng bắt đầu trồng lúa để bớt bị lệ thuộc vào gạo nhập từ nước ngoài. Đây là một trong những thay đổi lớn trên thị trường ngũ cốc của thế giới trong 10 năm vừa qua.

Tuy nhiên, ông cũng nhận định rằng' thị trường gạo rất quan trọng do đây là một trong ba loại ngũ cốc phổ biến nhất trên thế giới, sau ngô và lúa mỳ. Khác với ngô, gạo chủ yếu phục vụ nhu cầu của con người. Sản lượng của thế giới là 500 triệu tấn một năm, trong đó 10% là đề xuất khẩu và ba nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới là Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan. Do đó, chỉ cần một trong ba quốc gia này mất mùa thì cũng sẽ ảnh hướng đến thị trường của thế giới.

Quang Trịnh