Thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Quan trọng là chọn người

Sáng 12/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các vị đại biểu Quốc hội thuộc Đơn vị bầu cử số 1 thành phố Hà Nội tiếp xúc cử tri các quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Trước những vấn đề cử tri quan tâm, Tổng Bí thư nhấn mạnh quyết tâm phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng khi tới đây sẽ thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh ở tất cả các địa phương.

Đây cũng là sự cảnh tỉnh để lãnh đạo các tỉnh, thành phố chú ý, không ai có thể đứng ngoài cuộc.

Cử tri đánh giá cao thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã được triển khai không dừng, không nghỉ trên tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; xử lý được các cán bộ thoái hóa biến chất, vi phạm pháp luật. Nhân dân rất đồng tình với việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; cho đây là chủ trương rất kịp thời, thể hiện sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Ông PHÙNG HUY ĐĂNG - Phường Trung Phụng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội: Như câu nói của Tổng Bí thư, chống dịch là chống dịch mà chống tham nhũng là chống tham nhũng, 2 việc vẫn làm, tiến hành song song. Việc chống tham nhũng của Đảng thể hiện sự quyết tâm cao, đã và đang thu nhiều kết quả, kỷ cương phép nước được siết chặt, được nhân dân rất đồng tình ủng hộ.”

Ông PHAN VĂN BÁCH - Phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội:Dư luận nhân dân mong muốn, tin tưởng hoạt động có hiệu quả của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tiêu cực từ Trung ương đến địa phương. Thứ hai, việc thu hồi tài sản tham nhũng, khắc phục các thiệt hại kinh tế, cưỡng chế, thu hồi tài sản phạm pháp do tham nhũng mà có cần nhanh chóng, quyết liệt hơn.”

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, tại Hội nghị Trung ương 5, 100% đại biểu đã thống nhất thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tới đây sẽ thành lập Ban chỉ đạo ở tất cả các địa phương. Quyết tâm của Trung ương và Bộ Chính trị là tiếp tục làm và phải làm. Đây là cuộc chiến đấu gian nan, không phải chỉ nước ta và không chỉ ở thời nay. 

Tổng Bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG: Tiêu cực thì nhiều lắm nhưng trọng tâm là sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Cái đó nó làm hư hỏng con người, nó sẽ đẻ ra những cái khác. Trước đây chỉ có ở Trung ương, giờ phải mở rộng ra ở tất cả các tỉnh. Ở Trung ương, chúng tôi sẽ chỉ đạo. Tất nhiên, sắp tới còn phải hướng dẫn thế nào, quy chế làm việc ra sao, nhất là việc lựa chọn nhân sự như thế nào, chứ vào đây không chống tham nhũng, lại tư túi, vướng vào tham nhũng thì còn chống ai nữa, anh nào vướng vào thì tôi xử trước."

Ông PHÙNG HUY ĐĂNG - Phường Trung Phụng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội:Đề nghị Quốc hội sớm thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) để quản lý tốt hơn nữa về đất đai, nhằm quản lý sử dụng đất đai đúng mục đích, có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực về đất đai gây bức xúc trong nhân dân.”

Ông LẠI XUÂN DOÃN - Phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội: “Đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo cơ quan tham mưu sớm hoàn thiện dự thảo để trình Quốc hội Luật Đất đai (sửa đổi), trong quy hoạch về sử dụng, đề nghị quan tâm đến quỹ đất dành cho xây dựng trường học, công trình phục vụ các hoạt động ở địa bàn dân cư.”

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, đất đai là loại tư liệu sản xuất đặc biệt, người giàu lên, nghèo đi vì đất, mất đi tình đồng chí, cha con, anh em cũng vì đất. Vừa qua, 70% đơn thư khiếu kiện cũng về đất đai. Trên cơ sở Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 về đất đai, Quốc hội sẽ nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai để phát huy tối đa tiềm năng của đất đai. 

Tổng Bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG: “Như vậy là ý Đảng, lòng dân. Đảng bàn cũng trên cơ sở lắng nghe ý kiến của nhân dân và xuất phát từ tổng kết thực tế của chúng ta. Sắp tới sửa Luật Đất đai, xin tiếp thu ý kiến các bác, các đồng chí. Sửa thế nào để phát huy vai trò đất cũng không đơn giản, phải nghiên cứu, tổng kết mang tầm chiến lược, nhưng phải thiết thực hàng ngày, vừa lý luận, thực tiễn, vừa bảo đảm đời sống của từng người dân nhưng lại vì lợi ích quốc gia dân tộc.”

Bên cạnh đó, cử tri cũng nêu kiến nghị các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, nhất là trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo.

Ông ĐỖ XUÂN PHÚC - Phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội: “Việc lựa chọn sách giáo khoa, chọn môn học, môn thi, đưa môn Lịch sử ra ngoài môn quy định bắt buộc khiến dư luận nhân dân hết sức bất bình. Trước một số hạn chế tồn tại của ngành Giáo dục - Đào tạo, kính đề nghị các vị đại biểu Quốc hội có tiếng nói và hành động mạnh mẽ.”

Ông NGUYỄN ĐÌNH TÍNH - Phường Cát Linh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội: “Vừa qua có nhiều ý kiến liên quan đến việc Bộ Giáo dục & Đào tạo đưa ra việc môn Lịch sử thành môn tự chọn ở cấp Trung học phổ thông. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ có những quyết sách đúng đắn về môn Lịch sử.”

Ông VƯƠNG HỮU PHÚ - Phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội: “Những người được gắn mác tiến sỹ, thạc sỹ, những đề tài không gắn với cuộc sống với công việc như tiến sỹ cầu lông, thạc sỹ cờ vua mà giữ gắn mác chức danh đó trong lãnh đạo quản lý thì rất nguy hiểm. Tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ phải kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý nghiêm những sai phạm trên”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cám ơn các cử tri đã phát biểu nhiều ý kiến rất tâm huyết, sâu sắc; đồng thời đề nghị Hà Nội tổ chức 1 đợt sinh hoạt chính trị học tập, nghiên cứu, triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển thủ đô Hà Nội. Hà Nội phải đi đầu trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tới đây sẽ sửa đổi Luật Thủ đô để triển khai thực hiện tốt hơn.

Khắc Phục