Áp giá trần dầu mỏ Nga, G7 có thể gặp khó

Thông báo đóng cửa vô thời hạn đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 được Nga đưa ra sau khi Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tuyên bố sẽ áp giá trần đối với dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ nhập khẩu từ Nga. Mục tiêu của G7 là cắt nguồn thu của Nga, kiềm chế sự tăng giá năng lượng toàn cầu và giảm lạm phát.

Đây là thị trấn Schwedt, nằm cách thủ đô Berlin của Đức 100km. Nhà máy lọc dầu tại thị trấn này được coi là trụ cột của nền kinh tế tại địa phương.

Trong bối cảnh Liên minh Châu Âu (EU) đã nhất trí sẽ ngừng hầu hết nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm nay, nhà máy này đang đứng trước tương lai đóng cửa vĩnh viễn.

Bà KATHRINA HOPPE, Thị trưởng Thị trấn Schwedt: Nhà máy lọc dầu cung cấp nhiều việc làm cho thị trấn, và nó cũng là nguồn năng lượng sưởi ấm của chúng tôi. Nhiệt thải từ nhà máy này cung cấp nhiệt điện và nước nóng cho chúng tôi.”

Với kế hoạch áp giá trần dầu mỏ Nga của G7, các nhà máy lọc dầu như thế này đang đứng trước thách thức phải cải tổ nhanh và mạnh mẽ hơn.

GẬY ÔNG ĐẬP LƯNG ÔNG?

Theo thông báo từ các Bộ trưởng tài chính G7, giá trần đối với sản phẩm dầu của Nga sẽ có hiệu lực từ ngày 5/12 đối với dầu thô và từ ngày 5/2/2023 với các sản phẩm dầu mỏ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, biện pháp này có thể sẽ khiến Nga quyết định xuất khẩu ít dầu hơn. Nguồn cung giảm sẽ khiến giá dầu toàn cầu tăng. Do đó, Nga sẽ không chịu thiệt hại về tài chính, mà thậm chí còn hưởng lợi.

Trên thực tế, Nga đã ngay lập tức đưa ra tuyên bố sẽ ngừng bán dầu cho các quốc gia tham gia áp đặt giới hạn giá, khẳng định không hợp tác theo các nguyên tắc phi thị trường như vậy.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, các nước G7 không thể kiểm soát chính sách của các nước tiêu thụ nhiều dầu mỏ như Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như các nhà sản xuất năng lượng lớn ở Trung Đông. Dầu mỏ Nga sẽ chảy tới Trung Quốc và Ấn Độ trong khi dầu mỏ Trung Đông với mức giá cao hơn sẽ chảy tới châu Âu và Mỹ, làm trầm trọng hơn tình trạng lạm phát.

Tuy nhiên, G7 vẫn còn 1 lợi thế trong cuộc đối đầu này. Các nước G7 nắm giữ tới 90% các bảo hiểm vận chuyển trên toàn cầu, trong khi Nga cần số lượng lớn tàu biển để xuất khẩu gần 8 triệu thùng dầu mỗi ngày. Nếu G7 không cung cấp bảo hiểm hàng hải cho các tàu chở dầu được mua với giá cao hơn giá trần, hoạt động xuất khẩu dầu của Nga sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể.

Phòng Quốc tế