Áp lực pháp lý tạo gánh nặng lớn nhất lên công chức ngành Tài nguyên và Môi trường

Thảo luận Luật đất đai (sửa đổi), các đại biểu cho rằng những vướng mắc trong Luật Đất đai hiện hành khiến không chỉ khối nhà nước, các doanh nghiệp đang chịu áp lực và thiệt hại không nhỏ.Vì vậy, các đại biểu cho trong thời gian chờ sửa Luật, cần ban hành các văn bản hướng dẫn, tháo gỡ ngay các khó khăn vướng mắc hiện nay.

>> Toàn cảnh Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Nêu ví dụ về cách hiểu còn khác nhau trong của cụm từ “Quỹ đất công ích”, Đại biểu Trần Quốc Tuấn cho rằng cụm từ này không được giải thích và cũng không được đề cập trong Nghị định hướng dẫn đã dẫn đến khó thực hiện hoặc có khi thực hiện sai quy định.

Ông TRẦN QUỐC TUẤN, Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh: “Do dự án Luật Đất đai có tính chất rất đặc thù và nhạy cảm, Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu và dự báo tình hình để bổ sung nhiều nội dung đã, đang và sẽ phát sinh trong thực tiễn để thêm vào phần giải thích từ ngữ, đồng thời, cần quy định chi tiết, cụ thể, rõ ràng và đầy đủ hơn, đảm bảo bất kỳ ai khi đọc luật này cũng đều hiểu rõ và có thể áp dụng được ngay. Riêng các nội dung không thể làm rõ ngay trong dự luật thì phải được làm rõ ngay trong nghị định hướng dẫn, hạn chế tối đa việc quy định trong thông tư của các bộ, ngành để đảm bảo tính thống nhất, xuyên suốt trong việc cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về chính sách đất đai”

Từ những quy định khác nhau, dẫn đến cách hiểu khách nhau trong hệ thống pháp luật về đất đai, đại biểu Lê Đào An Xuân cho rằng áp lực pháp lý đang là áp lực lớn nhất tạo gánh nặng lên công chức ngành Tài nguyên và Môi trường.

Bà LÊ ĐÀO AN XUÂN, Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên: “Những sai phạm trong lĩnh vực đất đai ngoài việc cố tình làm sai thì có rất nhiều sai phạm bắt nguồn từ việc hiểu sai điều Luật. Một quy định có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, mỗi địa phương hay mỗi hồ sơ cụ thể cũng có thể áp dụng Luật theo cách khác nhau, dẫn đến tình trạng người sử dụng Luật sẽ thực hiện theo cách có lợi cho mình cao nhất, điều này sẽ dẫn đến nhiều tiêu cực có thể ảnh hưởng lợi ích của nhà nước, hoặc áp dụng Luật theo cách an toàn nhất thì sẽ gây khó khăn cho nhà đầu tư, người sử dụng đất”

Các đại biểu đề nghị, trong thời gian chờ sửa Luật, Chính phủ cần khẩn trương ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn, tháo gỡ ngay các khó khăn vướng mắc hiện nay, cần quy định rõ nội dung theo thẩm quyền của Chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, tránh quy định quá nhiều thẩm quyền chung chung.