• 6461 lượt xem
  • 03:29 24/05/2022
  • Xã hội

Bắc Kạn: Lập dự án thủy sản trên đất có khoáng sản?

Vào những năm 80-90, huyện Na Rì, Bắc Kạn như một đại công trường, người từ khắp nơi đổ về khai thác vàng sa khoáng. Dù là điểm khai thác vàng sa khoáng nổi tiếng, nhưng mới đây tỉnh Bắc Kạn lại chấp thuận chủ trương đầu tư cho doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản trên chính vùng đất mỏ vàng cũ.

BẮC KẠN: LẬP DỰ ÁN THỦY SẢN TRÊN ĐẤT CÓ KHOÁNG SẢN?

Là người uy tín, trưởng thôn Vằng Khít, từng chứng kiến hoạt động khai thác vàng sa khoáng rất sôi động tại đây từ những năm 1985 đến 2009. Khi biết tin có doanh nghiệp xin chủ trương nuôi trồng thủy sản tại xã Lương Thượng, ông Du cùng các hộ dân ở Vằng Khít vô cùng lo ngại. 

Ông NÔNG THIÊM DU, Trưởng thôn Vằng Khít, xã Lương Thượng, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn: “Theo tôi nghĩ là không khéo thủy sản lại thành khoáng sản, tôi đang nghĩ có sự nghi ngờ là như thế. Sợ nhất là trước khi vào làm sẽ có 1 văn bản tận thu khoáng sản tại chỗ, cho nên phải xem xét thận trọng kỹ càng trước khi cấp phép…”

Năm 2021, Hợp tác xã (HTX) Lương Thượng đã lập đề án nuôi trồng thủy sản tại 2 điểm gồm thôn Vằng Khít có diện tích 14ha và thôn Bó Mò có diện tích 12ha. 

Ông HOÀNG VĂN TRƯỜNG, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn: “Khách quan mà nói chỗ này thì cũng cần phải có đánh giá, thăm dò xem trước kia khai thác có độ sâu bao nhiêu rồi, khi HTX đi vào hoạt động thì sử dụng mặt nước có độ sâu bao nhiêu…”

Còn tại xã Văn Lang (khu vực chợ cũ Tân An), trước kia đã cấp phép cho hoạt động khai thai vàng sa khoáng cho Công ty An Thịnh, với trữ lượng mỏ là 1.200kg vàng, trên diện tích 18ha. Nhưng tới thời điểm này, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục chấp thuận chủ trương đầu tư cho HTX thủy sản Tân An, có nguồn gốc là đất mỏ vàng, trong khi đó việc đánh giá, thăm dò lại lượng khoáng sản còn hay không chưa được tính tới. 

Ông MÃ NGỌC QUỐC, Chủ tịch UBND xã Văn Lang, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn: “Nếu giả sử mà đánh giá được trữ lượng khoáng sản còn thì rất là tốt đây là một việc làm cần thiết. Tôi cũng mong sở TNMT sẽ giám sát quá trình thực hiện”

Theo tìm hiểu, tại huyện Na Rì có 3 điểm vàng sa khoáng tập trung dọc theo dòng sông ngầm dưới dãy núi đá vôi, phun chảy từ khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ ra sông Bắc Giang thuộc địa phận các xã Kim Hỷ, Lương Thượng, Văn Lang. Việc UBND tỉnh Bắc Kạn chấp thuận chủ trương đầu tư cho các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản trên đất có trữ lượng khoáng sản phải chăng là một sự thử nghiệm mới?

BẮC KẠN: THẬN TRỌNG VỚI DỰ ÁN THỦY SẢN, TRÁNH THẤT THU KHOÁNG SẢN QUỐC GIA

Dù huyện Na Rì chưa có mô hình thủy sản nào và tỉnh Bắc Kạn cũng chưa nuôi thử nghiệm những dòng cá ngoại lai, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Song tỉnh Bắc Kạn lại mạnh dạn chấp thuận chủ trương đầu tư, còn Hợp tác xã (HTX) lại sẵn sàng bỏ tiền đầu tư vào 1 dự án chưa từng có kinh nghiệm thực hiện.

Thẩm định về chủ trương đầu tư dự án thủy sản, Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Bắc Kạn từng yêu cầu cần phải phân tích rõ tính cấp thiết của dự án, vì trên địa bàn huyện Na Rì cũng có HTX Lương Thương đề xuất xin dự án tương tự; đánh giá tác động hiệu quả kinh tế.

Ông LÊ VĂN THẾ, Phó Giám đốc phụ trách Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Bắc Kạn: “Đối với Na Rì thì đây là dự án được triển khai đầu tiên thôi, còn ở các địa phương khác thì cũng có 1 số triển khai áp dụng KHCN về nuôi trồng thủy sản rồi…”

Ngành NN&PTNT tỉnh Bắc Kạn thẳng thắn cho biết, tỉnh chưa có bất kỳ dự án phát triển nuôi trồng thủy sản nào giống với 2 dự án trên. Thế mạnh của tỉnh là nuôi cá lồng, cá bè hoặc thâm canh trong ao nuôi.

Ông NGUYỄN MỸ HẢI, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Kạn: “Nếu như 2 HTX này cải tạo chỗ đấy không phải mục đích vì nuôi trồng thủy sản thì các cơ quan cần đánh giá lại để cho dừng dự án, quan điểm ngành là không ủng hộ những việc làm như vậy. Ngành tài nguyên cũng cần phải đánh giá lại trước khi cấp phép…”

Việc thăm dò, đánh giá lại trữ lượng khoáng sản còn lại sau khai thác, trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư, ngay cả ngành Tài nguyên Môi trường cũng chưa nắm rõ.

Ông NÔNG NGỌC DUYÊN, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Bắc Kạn: “Cái việc đánh giá trữ lượng khoáng sản thì tại khu vực này trước đây cũng không được đánh giá, chỉ sử dụng các tài liệu trước đây do Bộ Tài nguyên Môi trường cung cấp. Việc đánh giá trữ lượng là do Bộ Tài nguyên Môi trường còn tỉnh chỉ thực hiện quản lý khoáng sản nhỏ lẻ thôi…”

Còn đơn vị chủ trì, thẩm định, tham mưu là Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bắc Kạn lại khẳng định 2 dự án trên phù hợp, còn vì sao HTX lại xin dự án thủy sản trên đất trước kia là các mỏ vàng sa khoáng là do chủ đầu tư đề xuất.

Ông NGUYỄN ANH TUẤN, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bắc Kạn: “Thực ra đề xuất các dự án đầu tư là do chủ đầu tư họ tự đề xuất, lựa chọn vị trí địa điểm. Trên cơ sở xem xét của các ngành, các địa phương thì chúng tôi cũng thẩm định xem xét và báo cáo UBND tỉnh…”

Vàng sa khoáng là loại khoáng sản có giá trị kinh tế cao, là tài nguyên không tái tạo, do vậy cần giữ gìn cho quốc gia, cho cả thế hệ sau. Bộ TN&MT và các ngành chuyên môn cần phải vào cuộc đánh giá lại trữ lượng vàng còn ở khu vực xã Lương Thượng, xã Văn Lang, huyện Na Rì trước khi cấp phép cho HTX “đào ao” nuôi trồng thủy sản, trên vùng đất có vàng sa khoáng. Có như vậy tài nguyên Quốc gia mới được giữ gìn và tránh sự thất thoát.

Hữu Nghĩa