Bài học kinh nghiệm từ ngoại giao vaccine

Trong 2 tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15, nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu tại nghị trường, phân tích nguyên nhân, những bài học kinh nghiệm rút ra từ cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

Các đại biểu cho rằng, đại dịch Covid-19 gây bất ngờ cho toàn thế giới. Đối với Việt Nam đây là lần đầu tiên phải đối phó với khó khăn, thách thức lớn chưa có tiền lệ, kéo dài, trong bối cảnh đất nước còn những khó khăn. Nhưng với sự quyết tâm, đồng lòng, chung sức của toàn thể nhân dân, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, chúng ta đã giành chiến thắng trong cuộc chiến đầy cam go.

Theo các đại biểu, Đóng góp vào thắng lợi chung đó, không thể không nhắc đến Chiến lược vaccine đúng đắn với 3 trụ cột chính: đó là Thành lập Quỹ Vaccine; Triển khai ngoại giao vaccine; và tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine miễn phí cho người dân với quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Chiến dịch Ngoại giao vaccine được triển khai thành công trong bối cảnh đặc thù và khó khăn là minh chứng cho thấy vị thế, uy tín của Việt Nam trong lòng bạn bề quốc tế, để lại những bài học kinh nghiệm quý báu.

Ngày 27/4/2021 đánh dấu khởi đầu làn sóng Covid-19 thứ 4 tại Việt Nam, với biến chủng Delta cực kỳ nguy hiểm, đe dọa đảo ngược các thành quả trong công tác phòng chống dịch.
Trong bối cảnh này, vaccine được coi là chìa khóa để khống chế dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân.

Nhưng để có được vaccine vào thời điểm đó là không hề đơn giản, khi nguồn cung vaccine toàn cầu khan hiếm, tiếp cận vaccine rất khó khăn.
Trong tình thế chưa từng có tiền lệ, ngoại giao vaccine được xác định là giải pháp then chốt để huy động sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế, với phương châm: Vaccine sớm nhất là vaccine tốt nhất.

Trong bối cảnh đó, Chuyến thăm châu Âu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã giành trọng tâm vào công tác ngoại giao vaccine, và kết quả đạt được ngoài kỳ vọng. 200.000 liều vaccine đã được chính phủ Vương quốc Bỉ và Cộng hòa Slovakia trao tặng Việt Nam. Cùng với đó là các bộ test kit, máy thở, các trang thiết bị vật tư y tế phòng chống dịch hiện đại với tổng trị giá hơn 1.028 tỷ đồng.

Ngoại giao vaccine đã tạo đà để Việt Nam triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử, biến Việt Nam trở thành quốc gia “đi sau, về trước” trong tiêm phòng Covid-19, từ đó kiểm soát dịch bệnh, mở cửa nền kinh tế.

Ngoại giao vaccine không chỉ để lại bài học quý về phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại và ngoại giao trong đại dịch, mà đây còn là kinh nghiệm quý báu có thể áp dụng trong ngoại giao kinh tế, tận dụng và phát huy hiệu quả mọi cơ hội, tiềm lực để phục hồi nhanh và phát triển bền vững hậu Covid-19.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Kim Ngọc