Bài phỏng vấn Nguyễn Ái Quốc - sinh viên trường Đại học phương Đông trên báo Italia năm 1924

Cuộc trò chuyện này đã được đăng trên báo L'Unità (cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Italia) số ra ngày 15/3/1924.

Giovanni Germanetto là một thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Italia, đồng thời cũng là phóng viên thường trú của báo L'Unità tại Moscow, Nga. Năm 1924, ông có cuộc trò chuyện với một thanh niên Việt Nam, đó chính là Nguyễn Ái Quốc - sinh viên trường Đại học Xô Viết Phương Đông (Moscow, Nga). Cuộc trò chuyện này đã được đăng trên báo L'Unità (cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Italia) số ra ngày 15/3/1924.

Sinh thời, PGS Nguyễn Văn Hoàn (1931 - 2015), nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn học đã dịch từ nguyên bản tiếng Italia sang tiếng Việt cuộc trò chuyện này. Được sự đồng ý của gia đình, Truyền hình Quốc hội Việt Nam xin giới thiệu nội dung bài báo nhân kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023).

 Nguyễn Ái Quốc (người ngồi trên sàn) cùng các bạn đồng chí - Ảnh tư liệu. 

Xe lửa băng qua cánh đồng tuyết phủ, tuyết trên cả các ngọn cây lấp lánh ánh mặt trời. Tôi chỉ có một bạn đồng hành. Anh không có vẻ là người Nga. Đang đọc chăm chú, bỗng anh hỏi tôi bằng một thứ tiếng Nga trọ trẹ:
- Anh có diêm không?
- Có.
Tôi đáp bằng tiếng Pháp. Thế là người bạn đường của tôi bỏ ngay cái tiếng Nga của anh và chuyển sang nói tiếng Pháp. Anh nói tiếng Pháp rất giỏi.
- Anh từ đâu đến? Tôi hỏi.
- Tôi là người An Nam, quốc tịch Pháp, sinh viên trường Đại học Phương Đông Moskva. Tên tôi là Nguyen Ai Quac (chép đúng nguyên bản - người dịch).
Tôi tự giới thiệu... và bất chợt nảy ra ý muốn làm một cuộc phỏng vấn. Tôi nói điều đó với người bạn An Nam của tôi. Anh mỉm cười, đồng ý. Anh gầy, da nâu, mắt đen láy, tóc cứng.
- Anh có thể cho biết đôi điều về cuộc sống sinh viên của anh không?
- Rất vui lòng. Tôi ghi tên vào trường này đã hai năm. Trước đây, tôi làm việc ở Paris. Làm đủ nghề, mỗi nghề một tí: bán diêm, bán báo, bán xi đánh giầy, bán hàng cũ. Còn ở nước tôi, ba năm trước, tôi làm việc ở nông thôn.
- Ý tưởng đi sang châu Âu đã đến với anh như thế nào?
- Tôi đọc được một ít báo Pháp, kể cả các báo đối lập. Ở nước An Nam của tôi, Poincaré đã phái đến cả một đội quân lê dương để bình định chúng tôi. Tất nhiên là chúng tôi chống lại. Lính lê dương cũng đủ loại. Một số đã cho tôi báo Pháp, thế là tôi nảy ra cái ý muốn đi xem "Mẫu quốc" và tôi đến Paris. Khi trường Đại học Phương Đông Moskva mở, tôi đề nghị được vào học và được thu nhận.
- Trường anh có đông không?
- Chúng tôi có 1.025 sinh viên, đến từ 62 nước thuộc địa khác nhau, trong đó có 150 nữ, 895 người đã gia nhập Đảng Cộng sản, 547 người là nông dân, khoảng 300 là công nhân, những người khác là trí thức vô sản.
- Anh đánh giá như thế nào về sáng kiến Bolsevich này?
- Rất thích thú. Tôi đã được đọc nhiều lần trên các báo những lời tuyên bố của các nhà cách mạng tỏ tình hữu nghị và sự thông cảm với chúng tôi - những dân tộc thuộc địa - nhưng không một ai đã chỉ cho chúng tôi cách thực hành để xóa bỏ chế độ nô lệ. Nhiều người hiểu tình cảnh đau khổ của chúng tôi nhưng không một ai biết dạy cho chúng tôi con đường đi đến giải phóng.
Ở Bakou, năm 1921, lần đầu tiên trong lịch sử phong trào vô sản đã diễn ra Đại hội các dân tộc phương Đông và chính Lê Nin - đồng chí Ilch của chúng ta - đã đề ra các luận điểm và chỉ cho chúng tôi những bước đi đầu tiên để tiến kịp phong trào vô sản thế giới.

 Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội V Quốc tế Cộng sản (1924) - Ảnh tư liệu. 


Đồng chí An Nam nói một cách hào hứng. Anh nói tiếng Pháp rất nhanh và thoải mái. Anh có một bàn tay đang bị băng bó. Tôi hỏi:
- Tay anh sao thế?
Anh trả lời:
- Không có gì. Tôi mang vòng hoa của sinh viên đi viếng tang Lê Nin rồi có hai ngón tay bị tê cóng.
- Trường anh có bao nhiêu giáo sư và chương trình học thế nào?
- Chúng tôi có 150 giáo sư dạy các môn học xã hội, toán học, các khoa học tự nhiên, duy vật lịch sử, kinh tế chính trị học, lịch sử phong trào công nhân, lịch sử các cuộc cách mạng... Trường có một phòng chiếu phim, một thư viện 47.000 cuốn sách, báo, tạp chí. Sinh viên chúng tôi cũng ra một tờ tuần báo. Chúng tôi có một bệnh viện ở Crimé cho những người cần chữa bệnh và hai nhà nghỉ. Một trong những ngôi nhà đó, trước cách mạng là của một đại quý tộc. May mắn thay - anh bạn An Nam của tôi vừa cười, vừa nói - bây giờ trong phòng khách danh dự của lâu đài, các Ngài quý tộc mới - những nông dân Triều Tiên, hoặc Arménie... đang vui đùa một cách bình an.
- Thế ai lo việc ăn uống?
- Chính chúng tôi luân phiên làm. Chúng tôi phụ trách cả thư viện, câu lạc bộ và việc vệ sinh nhà cửa. Chúng tôi tổ chức thành một "Công xã", do sinh viên điều hành. Mỗi tuần một lần "Công xã" họp để thảo luận chính trị, sinh hoạt nghệ thuật và giải trí. Những người phạm lỗi thì do một tòa án được công xã bầu ra xét xử. Tuy thuộc 62 quốc tịch khác nhau nhưng chúng tôi sống rất hòa hợp và xem nhau như anh em.

 Nguyễn Ái Quốc (ngồi ngoài cùng bên trái) và các bạn đòng chí tại Liên Xô (1924) - Ảnh tư liệu. 


- Khi học xong anh định sẽ làm gì? Tôi hỏi người bạn An Nam.
- Tôi sẽ trở về nước và chiến đấu cho lý tưởng của chúng ta. Tự nhiên là thế. Ở đó còn rất nhiều việc phải làm. Chúng tôi không có quyền gì cả, ngoài quyền đóng thuế cho "mẫu quốc" Pháp và các ông chủ bản xứ. Chúng tôi là dân thuộc địa, anh biết đấy, đồng chí thân mến a, chúng tôi là những dân tộc hạ đẳng, chúng tôi không có quyền đi bầu và được bầu… Chúng tôi đã bị đau khổ nhiều và còn tiếp tục bị đau khổ. Những nhà khai hóa nước chúng tôi không cho chúng tôi những quyền tự do. Chúng tôi sẽ đi theo con đường cách mạng Nga đã vạch ra, chúng tôi đã thực hiện những điều đã học được... Chúng tôi nhận thức được trách nhiệm quan trọng đè nặng lên tất cả chúng tôi. Tương lai của dân tộc thuộc địa lệ thuộc vào công tác tuyên truyền và tinh thần hy sinh của chúng tôi.
… Sự thành lập Trường đại học Bolsevich đã mở ra một thời đại mới trong lịch sử các dân tộc thuộc địa phương Đông. Trường đã dạy cho chúng tôi những nguyên lý của cuộc đấu tranh giai cấp, giúp chúng tôi tiếp xúc với các dân tộc phương Tây và khả năng liên hiệp hành động giữa những người nô lệ.
- Thế thời tiết nước Nga không làm khổ anh sao?
- Trái lại, tôi vẫn chưa thích ứng được, mặc dầu đã tập dượt qua 2 năm. Nhưng rồi tôi sẽ khắc phục được.
Cuộc nói chuyện giữa chúng tôi còn có thể tiếp tục, nhưng một nhà ga nhỏ đã hiện ra. Anh bạn An Nam xiết tay tôi và nói:
- Tôi phải đi tham quan một công xã nông nghiệp. Tạm biệt.
Tôi thấy anh nhảy xuống quấn chặt mình trong áo khoác và khuất dần sau một ngọn đồi nhỏ….

Cuộc trò chuyện này đã được đăng trên báo L'Unità (cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Italia) số ra ngày 15/3/1924.

Bài viết đề xuất

hinh anh tac gia

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Phản hồi
Liên quan
Liên quan
Mới nhất
Báo cáo phản hồi này
0 trả lời
Ẩn trả lời
Trả lời
Báo cáo phản hồi này
0