Ban hành chính sách về dân tộc nhưng không lấy ý kiến Hội đồng Dân tộc, cần làm rõ trách nhiệm

Tại buổi làm việc của Đoàn giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021 của Hội đồng Dân tộc với Bộ Tư pháp, chiều 24/3, các đại biểu đặc biệt quan tâm và cho rằng Bộ Tư pháp cần phải làm rõ việc phải xin ý kiến của Hội đồng dân tộc đối với các chính sách liên quan đến công tác dân tộc được quy định trong Hiến pháp 2013.

Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020. Luật này quy định rõ trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong quá trình thẩm tra dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Điều 91 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 cũng quy định rõ cơ quan chủ trì soạn thảo nghị định có trách nhiệm lấy ý kiến Hội đồng Dân tộc nếu trong dự thảo có quy định về thực hiện chính sách dân tộc. 

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng cần phải làm rõ nội hàm các từ ngữ được quy định trong Hiến pháp.  

Ông NGUYỄN LÂM THÀNH, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: "Liên quan đến Hiến pháp khoản 3 của điều 75 quy định là Chính phủ khi ban hành chính sách dân tộc phải lấy ý kiến của Hội đồng dân tộc, nội hàm từ phải rất khác mới chỉ là "lấy ý kiến" được quy định trong điều 68a chỉ là lấy ý kiến thôi, phải có nghĩa là bắt buộc và phải tiếp thu ý kiến và nếu có vấn đề gì phải đối thoại và giải trình."

Chính điều này dẫn đến tình trạng là nhiều cơ quan bộ ngành thời gian qua khi xây dựng chính sách liên quan đến lĩnh vực dân tộc đã không lấy ý kiến của Hội đồng Dân tộc hoặc có cơ quan lấy ý kiến nhưng không giải trình các vấn đề tiếp thu hay không tiếp thu. Chính vì vậy vẫn còn tình trạng các văn bản không thực thi có hiệu quả do thiếu tính thực tiễn.

Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 có bổ sung điều 68a quy định về trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc tham gia thẩm tra dự án, dự thảo do các Ủy ban của Quốc hội chủ trì thẩm tra để đảm bảo chính sách dân tộc khi dự án, dự thảo có quy định liên quan đến dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Tuy nhiên hiện rất ít dự thảo Luật có điều khoản riêng quy định về chính sách dân tộc. 

Vì những vấn đề bất cập trong cách tiếp cận như vậy, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị Bộ Tư pháp có văn bản hướng dẫn quy trình lấy ý kiến đối với chính sách dân tộc hoặc các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện một cách cụ thể để đảm bảo chính sách thực sự đi vào cuộc sống và đảm bảo được quyền của người dân tộc thiểu số. 

Tiếp thu ý kiến của Thường trực Hội đồng Dân tộc, đại diện Bộ Tư pháp cho biết khi xây dựng quy chế thẩm định, hướng dẫn kỹ năng thẩm định và soạn thảo văn bản thuộc Bộ Tư pháp và các bộ ngành khác sẽ lưu ý vấn đề này và đề nghị lấy ý kiến của Hội đồng Dân tộc. Quá trình tập huấn Bộ cũng sẽ triển khai hướng dẫn việc lấy ý kiến của Hội đồng Dân tộc đối với chính sách dân tộc.

Bà ĐỖ THỊ THANH HƯƠNG, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp: “Trong vấn đề lấy ý kiến đối với văn bản quy phạm pháp luật trong đó có lấy ý kiến Hội đồng Dân tộc thì nội dung này sắp tới Bộ Tư pháp sẽ tổ chức lớp hướng dẫn về lấy ý kiến thì sẽ đưa nội dung này vào và đưa cả vấn đề nhận diện các nội dung liên quan đến chính sách dân tộc vào.”

Các đại biểu cũng đề nghị Bộ Tư pháp có phương án hướng dẫn các bộ ngành để xây dựng các chính sách dân tộc một cách đồng bộ, không để rải rác và manh mún như hiện nay, hướng tới xây dựng luật về dân tộc để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả về mặt pháp lý cho việc triển khai và thực hiện chính sách dân tộc. 

Minh Công