Băn khoăn quy định tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự

Tại phiên họp chiều 16/8, nên hay không nên quy định tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự trong dự án Luật Phòng thủ dân sự là nội dung khiến nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn.

Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội vấn đề tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự với 2 phương án: Phương án 1 quy định tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự trong luật. Phương án 2 không quy định tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự. Trong đó, đa số thành viên Chính phủ lựa chọn phương án 1 với ưu điểm là thiết lập đầy đủ cơ sở pháp lý xử lý các vấn đề phát sinh của thực tiễn.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, trên thực tế đã có Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp năm 2000, và theo kế hoạch pháp lệnh sẽ được nâng lên thành luật, do đó nếu không thiết kế kỹ sẽ dễ dẫn đến sự chồng chéo, trùng lặp.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Nó sẽ đẻ ra một hệ lụy về pháp luật nữa là một lĩnh vực về tình trạng khẩn cấp mà được quy định ở hai 2 luật. Vậy có xuất hiện tình trạng phân tán rồi chồng chéo, dàn trải không? Hoặc 1 phương án nữa là không quy định tình trạng khẩn cấp trong luật này mà tất cả tình trạng khẩn cấp thì sau này nâng Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp lên”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, ban soạn thảo nên đặt lại vấn đề “phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp” thì dễ tiếp cận hơn.

Phó Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: "Tình trạng khẩn cấp có Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp và trong chương trình của nhiệm kỳ này Bộ Chính trị đã có Kết luận 19, Ủy ban Thường vụ đã ban hành Kế hoạch 81 là sẽ nâng Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp thành luật, việc này đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị. Luật Tình trạng khẩn cấp là quy định chung, còn trong tình trạng khẩn cấp thì có tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh, tình trạng khẩn cấp về thiên tai, có thể các luật chuyên ngành sẽ quy định cụ thể. Chỗ này nói là "phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp", nếu tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh thì phòng thủ thế nào? Tình trạng khẩn cấp về chiến tranh thì phòng thủ thế nào? Tình trạng khẩn cấp về thiên tai thì phòng thủ thế nào? Có những đặc thù gì thì ghi ở đây sẽ xuôi hơn.”

Trao đổi làm rõ thêm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, quy định tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự là vấn đề quan trọng nhất và Chính phủ phải thảo luận rất nhiều lần mới đưa ra được phương án để trình Quốc hội như hiện nay. Ban đầu Bộ Tư pháp, khi thẩm định đề nghị xây dựng luật đã tính đến việc đề nghị pháp điển hóa các quy định về tình trạng khẩn cấp trong quốc phòng, an ninh vào dự thảo luật này. Tuy nhiên tình trạng khẩn cấp về quốc phòng thì Luật Quốc phòng đã có những quy định riêng và việc thi hành quyết định công bố, ban bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp về quốc phòng cần phải có những quy định đặc thù, chi tiết về cơ quan chỉ huy, về các biện pháp thực hiện.

Bà ĐẶNG HOÀNG OANH, Thứ trưởng Bộ Tư pháp: “Chính phủ thảo luận rất kỹ về vấn đề này và sau đó với mọi quyết định là Luật Phòng thủ dân sự sẽ chỉ quy định về tình trạng khẩn cấp trong lĩnh vực dân sự, tức là quy định về phòng thủ dân sự trong tình trạng có thảm họa, có sự cố do thiên tai, dịch bệnh và do con người gây ra, kể cả môi trường cũng có thể do con người gây ra, trừ tình trạng thảm họa và sự cố do chiến tranh gây ra và do an ninh quốc gia hay trật tự, an toàn xã hội. Chính vì vậy, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật này không bao gồm tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, về an ninh.”

Trước những băn khoăn của các đại biểu, đại diện Ban soạn thảo dự án Luật khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thiết kế lại cho hợp lý hơn và theo hướng luật này chỉ quy định về hoạt động phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp thuộc lĩnh vực dân sự.

Thượng tướng NGUYỄN TÂN CƯƠNG, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: “Chúng tôi thấy cần phải tiếp thu và thiết kế theo hướng hoạt động phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp, còn lại sẽ có Luật Tình trạng khẩn cấp chung quy định tổng thể tất cả các tình trạng khẩn cấp, trong đó tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng khẩn cấp về an ninh, tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự sẽ quy định cụ thể thứ tự các bước, quy định ai ra quyền và ra quyền, ra lệnh như thế nào, sau đó các hoạt động ra sao.”

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị ban soạn thảo tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của các đại biểu, chuẩn bị lại dự thảo, hồ sơ dự án Luật để trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9. 

Quang Sỹ