Ban Thanh tra nhân dân còn hoạt động mang tính hình thức, không đủ quyền hạn và năng lực kiểm tra, giám sát

Cho ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, các đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết có ban thanh tra nhân dân ở cấp xã, phường. Tuy nhiên, phải có hình thức tổ chức, cơ chế hoạt động phù hợp, để đảm thực chất, hiệu quả tránh hình thức.

Đồng tình thành lập Ban Thanh tra nhân dân tại xã, phường, thị trấn, song ĐBQH Lò Thị Luyến (Điện Biên) không đồng tình lập Ban Thanh tra nhân dân tại cơ quan Nhà nước. Vì theo đại biểu, cán bộ công chức, viên chức được bầu tham gia Ban Thanh tra nhân dân là những người đang thi hành nhiệm vụ tại đơn vị, sinh mệnh chính trị của họ đang nằm trong tay thủ trưởng cơ quan thì không giám sát được.

Bà LÒ THỊ LUYẾN, Đại biểu Quốc hội tỉnh Điên Biên: "Thực tế các vụ án tham ô, tham nhũng, hành vi chuyên quyền... không phải do Ban Thanh tra nhân dân phát hiện ra, mà là ở các quy định của Đảng, hệ thống văn bản pháp luật chuyên ngành... Do đó, Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan Nhà nước là không thực chất, khó làm. đề nghị đối với cơ quan Nhà nước thì không thành lập Ban Thanh tra nhân dân, đồng thời đề nghị Ủy ban Pháp luật khảo sát một số địa phương nữa, làm rõ có bao nhiêu việc được tổ chức này giải quyết và có kết quả? Tỷ lệ Ban Thanh tra nhân dân hoạt động tốt và hiệu quả là bao nhiêu?".

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đề nghị cần có cơ chế để Ban Thanh tra nhân dân không hoạt động một cách bè phái hoặc đưa quá nhiều người thân, họ hàng vào làm việc.

Ông NGUYỄN ANH TRÍ, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: “Có ý kiến phát biểu trước tôi đã cho thấy được điều đó và trên thực tế nhiều đồng chí làm việc thì cũng thấy nhiều ban thanh tra bầu ra nhưng hoạt động không chất lượng, không hiệu quả, nói thật là không biết bị hoạt động gì. Ở Điều 37 thì tiêu chuẩn ở đây cần soạn thảo như thế nào đó để tránh việc bè phái, như Bác Hồ dùng từ "cánh hẩu", đặc biệt là họ hàng, ở các địa phương đây là vấn đề rất nặng nề, rất khó khăn, cần có quy định như thế nào đó để tránh việc đưa họ hàng vào quá nhiều trong ban thanh tra này.”

Một số đại biểu cho rằng, thực tế hiện nay Ban Thanh tra nhân dân còn hoạt động mang tính hình thức, không đủ quyền hạn và năng lực để kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ, nhất là kiểm tra, giám sát đối với người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập hoặc chủ doanh nghiệp.

Bà HUỲNH THỊ PHÚC, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu: “với chức năng hiện tại của Ban Thanh tra Nhân dân ở các cơ quan, đơn vị đã không thực hiện hết nhiệm vụ của mình và bày tỏ băn khoăn về tính hiệu quả của Ban Thanh tra Nhân dân ở những nơi này. Ngoài ra, dự án Luật hiện nay lại bổ sung thêm chức năng kiểm tra, liệu có trùng với chức năng kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra công đoàn và của kiểm tra các quỹ hay không thì Ban soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra nên cân nhắc, nghiên cứu lại để đúng, phù hợp với vị thế của Ban thanh tra Nhân dân ở các cơ quan, đơn vị và để có thể phát huy được hiệu quả, tránh tính hình thức."

Bà NGUYỄN THỊ THU HÀ, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh: “Đối với Ban Thanh tra Nhân dân cần quy định cụ thể việc tiếp thu, xử lý các kiến nghị và xác định rõ trách nhiệm giải trình, chế tài đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp khi để xảy ra chậm trễ hoặc không tiếp thu, xem xét trả lời kiến nghị của Ban Thanh tra Nhân dân đúng thời hạn.”