Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ

Sáng 04/1/2022, tại nhà Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung làm việc.

Đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua theo trình tự tại một kỳ họp

Thẩm tra về dự thảo Nghị quyết này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ là đủ cơ sở chính trị, căn cứ thực tiễn, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị (Nghị quyết 59) về phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tạo cơ chế thu hút đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng thành phố Cần Thơ thành trung tâm phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước trong thời gian tới. Việc ban hành chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ cũng bảo đảm tính tương đồng với một số địa phương vừa được Quốc hội cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù.

Bên cạnh đó, hồ sơ dự thảo Nghị quyết cơ bản đã bảo đảm đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua theo trình tự tại một kỳ họp. Tuy nhiên, đề nghị Báo cáo đánh giá tác động cần được đầy đủ, chi tiết hơn.

Các nội dung cơ bản phù hợp với tinh thần Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị

Về phạm vi chính sách trong Dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết đa số ý kiến cho rằng, các nội dung trong Dự thảo Nghị quyết đã cơ bản bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 59, bảo đảm tính tương đồng với các thành phố lớn khác trong cả nước; đặc biệt, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã có những chính sách đặc thù khác với nhiều địa phương khác; tương thích với đặc điểm riêng, tạo cơ sở phát huy được thế mạnh của vị trí địa lý, tiềm năng kinh tế, lợi thế con người. Tuy nhiên, để bảo đảm phát triển bền vững, cần khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên trên nguyên tắc bảo vệ môi trường sinh thái; đề cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý nhà nước; thu hút thực chất và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là cho phát triển cơ sở hạ tầng và các ngành kinh tế có tiềm năng, lợi thế đặc thù.

Về việc cho phép thành phố Cần Thơ được vay không quá 60% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp, đa số ý kiến nhất trí với đề xuất này vì sẽ góp phần tạo dư địa để thành phố Cần Thơ có thể huy động tối đa nguồn lực, thúc đẩy đột phá trong phát triển và cũng tương đồng với mức dư nợ được áp dụng cho một số địa phương như thành phố Đà Nẵng, Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa.

Về quy định Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ được ban hành phí, lệ phí chưa có trong Danh mục; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu một số loại phí, lệ phí so với quy định của Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho hay, đa số ý kiến nhất trí với đề xuất trên vì chính sách này tương tự như Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng đang được hưởng và phù hợp với thực tế của Cần Thơ. Tuy nhiên, đề nghị trong triển khai cần bảo đảm nguyên tắc: có lộ trình phù hợp với thực tế và yêu cầu phát triển của Thành phố; tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi; bảo đảm sự thống nhất của thị trường, không cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ; bảo đảm công khai, minh bạch.

Mặt khác, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này vì đại dịch COVID-19 tác động đến mọi mặt đời sống, sản xuất, kinh doanh, việc ban hành thêm hoặc điều chỉnh mức phí, lệ phí có thể ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp và kích cầu phục hồi kinh tế.

Liên quan đến quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, đa số ý kiến nhất trí với quy định trên,  nội dung này đã được Quốc hội cho phép áp dụng đối với thành phố Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An.

Về khu liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ, dự thảo Nghị quyết quy định Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ là khu vực có ranh giới địa lý xác định được Thủ tướng Chính phủ thành lập phù hợp với các quy hoạch có liên quan, để thu hút các dự án đầu tư trong các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, sản xuất, chế biến và cung ứng dịch vụ, xuất khẩu nông, thủy sản và các dự án đầu tư, doanh nghiệp có dự án đầu tư tại Trung tâm được hưởng một số cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, thủ tục hải quan, thủ tục thuế, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, đa số ý kiến tán thành việc thành lập Trung tâm và các nội dung ưu đãi nêu trên vì phù hợp với tinh thần Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị; tạo cơ chế hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm, thu hút đầu tư, tăng sức cạnh tranh của khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với đặc thù của Cần Thơ và cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Mức ưu đãi thuế, thời hạn ưu đãi đã được quy định theo hướng tham khảo các mức ưu đãi đang được áp dụng cho các Khu kinh tế.

Tuy nhiên, đề nghị trong tổ chức thực hiện cần bảo đảm chặt chẽ, tránh gian lận thương mại, lợi dụng chính sách. Một số ý kiến đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện ngay sau khi được Quốc hội thông qua để cụ thể hóa quy định tại Nghị quyết trên nguyên tắc chặt chẽ, đúng đối tượng, công khai, minh bạch về phạm vi và các điều kiện ưu đãi; quy định danh mục dự án được đầu tư vào Trung tâm; làm rõ tính tuân thủ các cam kết quốc tế; có chính sách tiêu thụ trong nước đối với sản phẩm sản xuất tại Trung tâm…/.