Báo chí Mỹ đi tìm quy mô thực sự của kho dự trữ vũ khí Nga

4700 quả tên lửa trong 270 ngày, hay 400 quả tên lửa chỉ trong một ngày, đều là những con số quá lớn, nhất là khi phương Tây luôn khẳng định suốt nhiều tháng rằng kho dự trữ của Moscow đang dần cạn kiệt. Vậy quy mô thực sự của kho dự trữ vũ khí Nga như thế nào? Tờ New York Times ngày 21/11 đưa ra những phân tích về việc vì sao Nga có thể duy trì tần suất phóng tên lửa cao như vậy.

Ngày 16/11, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley cho biết Nga đã tập kích toàn bộ lãnh thổ Ukraine bằng gần 100 tên lửa hành trình và nhiều vũ khí khác trong ngày 15/11. Đây là đợt không kích lớn nhất nhằm vào Ukraine kể từ đầu chiến sự.

Phương Tây nhiều lần nhận định kho vũ khí Nga, trong đó có tên lửa dẫn đường, sắp cạn kiệt do tần suất sử dụng cao. Thế nhưng đi ngược lại mọi dự đoán, những đòn tấn công của Nga đang đặt ra nhiều câu hỏi về quy mô thực sự của kho dự trữ vũ khí, cũng như những nguồn Mátxcơva dựa vào để bổ sung tên lửa.

QUY MÔ THỰC SỰ CỦA KHO DỰ TRỮ VŨ KHÍ NGA?

Lực lượng Nga những tháng qua gần như ngày nào cũng tuyên bố sử dụng tên lửa và vũ khí chính xác cao tập kích mục tiêu tại Ukraine.

DMITRY MEDVEDEV, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga: "Tôi nhiều lần chứng kiến giới phân tích phương Tây cho rằng, Nga sẽ sớm cạn vũ khí. Đừng mất công chờ đợi. Tiến độ xuất xưởng khí tài và trang bị đặc biệt đang tăng gấp nhiều lần ở mọi lĩnh vực, từ xe tăng đến pháo binh, tên lửa chính xác cao và máy bay không người lái (UAV)."

Tuyên bố của Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga đang củng cố thêm phân tích của các chuyên gia quốc phòng Anh, rằng “nền kinh tế Nga gần như chuyển sang thời chiến”. Theo đó, Nga đã tích trữ lượng lớn chip bán dẫn và thiết bị điện tử để sản xuất tên lửa từ nhiều năm qua, trước khi mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, nhất là khi quan hệ giữa Moskva và phương Tây xấu đi sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Nga vẫn đđang tiếp tục sản xuất ten lửa trong bối cảnh ngành công nghiệp quốc phòng nước này đang hoạt động suốt ngày đêm.

Cùng với đó, các chuyên gia tin rằng, Nga có thể tìm đến nguồn cung từ bên ngoài, như từ Iran, dù Nga đã phủ nhận điều này.

Và cuối cùng, để duy trì đà tiến công, Nga có thể đang rút vũ khí từ kho dự trữ chiến lược cho xung đột với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) để sử dụng tại Ukraine, khi từ lâu phương Tây đã cho rằng Nga luôn có kho vũ khí đề phòng.

Nhìn chung, mặc dù khó có thể đoán định được về kho vũ khí khổng lồ này, nhưng cách Nga sử dụng vũ khí hiện nay, đang cho thấy sức mạnh quân sự của quốc gia này.

Hồng Nhung