Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ khi sửa đổi Luật giao dịch điện tử

Sáng 11/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Dẫn chứng nhiều ví dụ cụ thể trong dự thảo Luật còn đang mâu thuẫn, chống chéo với các luật hiện hành như Luật Công chứng, Luật Đầu tư…nhiều đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát lại các các quy định để đảm bảo thống nhất, không xung đột với các quy định hiện hành trong các luật có liên quan.

Các ý kiến góp ý của đại biểu tập trung vào các nhóm nội dung như: cân nhắc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật; bảo đảm giá trị pháp lý của nội dung thông tin trong giao dịch điện tử; hay sự tương thích đối với các luật có liên quan…

Đại biểu NGUYỄN THỊ MAI HOA, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: "Đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng về điều kiện thực tiễn của Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế. Để từ đó cân nhắc việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và lộ trình thực hiện để bảo đảm tính khả thi"

Ông PHẠM ĐỨC ẤN, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: “Trong dự án Luật lần này cần phải thể hiện trực tiếp về tính pháp lý của giao dịch điện tử, về dữ liệu điện tử chứ không nói là tương đương nữa.”

Ông ĐỒNG NGỌC BA, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: "Không nên để dịch vụ tin cậy một cách chung chung, mà phải xác định rõ dịch vụ cấp dấu thời gian, rồi dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu dịch vụ chữ ký số công cộng, cần rà soát để rõ ràng, minh bạch, không xung đột với với các dịch vụ kinh doanh dịch vụ chứng thực chữ ký số hay kinh doanh dịch vụ định danh và xác thực điện tử đã quy định trong Luật Đầu tư hiện hành"

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện quy định về chữ ký điện tử bao quát được các phương pháp xác thực đang phổ biến và sẽ xuất hiện trong tương lai. Bổ sung quy định về các loại công nghệ mới sử dụng trong định danh nhân thân… Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tiếp thu ý kiến của các đại biểu.

Ông NGUYỄN MẠNH HÙNG, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: "Các ý kiến là xác đáng, phong phú, đa chiều, nhiều ví dụ tình huống, có giá trị để hoàn thiện dự án Luật để Ban soạn thảo nghiên cứu tiếp thu. Bộ sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan hữu quan để nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu."

Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) được đánh giá có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc xây dựng một Việt Nam số. Nếu công tác xây dựng luật vi phạm các nguyên tắc căn bản của môi trường số thì Luật có thể sẽ là vật cản cho sự phát triển số của Việt Nam.