Bao giờ doanh nghiệp "bắt" được "phao cứu sinh 2%" từ ngân hàng?

Trong bối cảnh hiện nay, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% lãi suất, có ý nghĩa hết sức quan trọng, được ví như “chiếc phao cứu sinh” của doanh nghiệp và người dân để phục hồi sản xuất. Quan trọng và được kỳ vọng là vậy, nhưng lại không được triển khai trên thực tế. Vậy phía ngân hàng nói gì về vấn đề này?

Ông PHẠM TOÀN VƯỢNG, Phó tổng Giám đốc Agribank: “Thực tế là khi ban hành nghị định thông tư thì không lường trước được nhất là với 11 nhóm ngành, cách hiểu về 11 nhóm ngành nghề và thời điểm giải ngân và thời điểm được hỗ trợ. Cần hiểu hết sức thấu đáo về đối tượng được hưởng lợi cũng như là các đơn vị các nhân bản thân trong ngành ngân hàng, các cơ quan hữu quan tham gia trong việc cần phải đồng hành với hệ thống ngân hàng thì triển khai mới được hiệu quả, triển khai một cách thống nhất." 

Nhiều ngân hàng thương mại cũng cho rằng, Nghị định 31 đã quy định rõ 11 nhóm ngành được hưởng chương trình hỗ trợ lãi suất. Nhưng ngân hàng rất cẩn trọng trong chuyện cho vay, và các tiêu chí giải ngân vẫn phải đạt chuẩn, tránh tình trạng nợ xấu, ngân hàng sẽ phải chịu trách nhiệm. 

Bà PHẠM THỊ TRUNG HÀ, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank): “Chỉ có đối tượng được hưởng thì mới đuọc ưu đãi. Tuy nhiên cũng có khó khăn nhất định mà chúng tôi cần tổ công tác. Nghị định đã nêu ra là sẽ có tổ công tác hỗ trợ vì vậy chúng tôi rất mong chờ.”

Ông ĐÀO MINH TÚ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: “Trong tổ chức thực hiện xác định đối tượng được hỗ trợ thì thí dụ doanh nghiệp sản xuất đa lĩnh vực, đa ngành, nhưng chỉ có 1,2 lĩnh vực được hưởng lãi suất thôi, thì bây giờ phải bóc tách ra, hay tất cả các lĩnh vực đều được vay trong một khoản, thì cái này cũng đang lúng túng.”

Bà NGUYỄN THỊ HỒNG, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: “Nghị quyết 43 mục tiêu của Nghị quyết là hỗ trợ phục hồi và doanh nghiệp phải đủ điều kiện vay vốn thì mới hỗ trợ, còn các khó khăn của các doanh nghiệp khác phản ánh thì sẽ được giải quyết ở các chính sách khác chứ không phải ở chính sách này. Chúng tôi đã chỉ đạo có văn bản gửi các tổ chức tín dụng, khi tổ chức tín dụng liên hệ với họ thì họ sẽ biết được các khoản vay đó.” 

GIẢI PHÁP ĐẨY NHANH TRIỂN KHAI GÓI CẤP BÙ LÃI SUẤT 

Có thể thấy, gói hỗ trợ lãi suất 2% dự kiến sẽ tiến hành trong vòng hai năm, nhưng đến nay đã gần hết một năm và tiến hành một cách chậm chạp, bế tắc so với yêu cầu của Nghị quyết Quốc hội. Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp lo ngại, trong bối cảnh lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại đang có xu hướng tăng, dẫn đến lãi suất cho vay sẽ tăng theo. Và như vậy, chính sách ưu đãi lãi suất 2% sẽ giảm đi tính “hỗ trợ” cho các doanh nghiệp. Đây là điều cần phải nhanh chóng tìm cách đẩy nhanh.

Trong một động thái nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái gần đây đã giao Ngân hàng Nhà nước sớm thành lập một số Đoàn công tác để tiến hành khảo sát tình hình triển khai thực hiện của các ngân hàng thương mại, nắm bắt các vấn đề đặt ra trong thực tiễn để kịp thời có các biện pháp xử lý các khó khăn, vướng mắc của cơ sở.

Trong khi đó, phát biểu tại buổi làm việc với Ngân hàng nhà nước cách đây ít hôm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu bảo đảm tính hiệu quả trong thời gian triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (đến hết năm 2023). Nếu có khó khăn, vướng mắc cần làm rõ lý do; trường hợp cần thiết sửa đổi quy định, cần khẩn trương nghiên cứu đề xuất kịp thời. Với những động thái quyết liệt như vậy, chung ta hy vọng rằng những khó khăn sẽ sớm được giải quyết, doanh nghiệp sẽ nhận được “những chiếc phao cứu sinh” kịp thời, đúng lúc. 

Thùy Trang