Bạo lực súng đạn – vấn đề nan giải của nước Mỹ

Nước Mỹ lại tiếp tục hứng chịu những đau thương, mất mát từ bạo lực súng đạn, khi ít nhất đã có 3 người đã thiệt mạng và hơn 10 người khác bị thương sau một vụ xả súng xảy ra rạng sáng ngày 5/6 ở thành phố Chattanooga, thuộc bang Tennessee của Mỹ. Đáng chú ý, vụ việc xảy ra chỉ 2 giờ sau một vụ xả súng khác ở thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania.

Rạng sáng ngày 5/6, tại Chattanooga, Tennessee: 3 người thiệt mạng, 14 người bị thương sau vụ xả súng tại thành phố Chattanooga, bang Tennessee.

Ngày 5/6 tại Philadelphia, Pennsylvania: Vụ việc xảy ra chỉ 2 giờ sau một vụ xả súng khác ở Philadelphia, thành phố lớn nhất bang Pennsylvania, miền Đông nước Mỹ, khiến 3 người thiệt mạng và 11 người khác bị thương. Nguyên nhân là do hai người đàn ông xung đột dẫn tới đọ súng. 

Xả súng liên tiếp xảy ra khi người dân Mỹ vẫn chưa hết bàng hoàng sau các vụ xả súng trước đó: 

10 người thiệt mạng trong vụ xả súng tại cửa hàng tạp hóa ở Buffalo, New York

21 người thiệt mạng trong vụ xả súng tại trường tiểu học ở Uvalde, Texas

4 người thiệt mạng trong vụ xả súng tại trung tâm y tế ở Tulsa, Oklahoma.

Theo số liệu từ Kho lưu trữ thông tin bạo lực súng đạn của Mỹ, trong 21 tuần đầu tiên của năm 2022, đã xảy ra tổng cộng 213 vụ xả súng hàng loạt, trong đó có 27 vụ xảy ra ở trường học. Trung bình mỗi tuần có khoảng 10 vụ xả súng xảy ra ở nước này.

NỖ LỰC KIỀM CHẾ BẠO LỰC SÚNG ĐẠN

Các nhà hoạt động đang kêu gọi chính phủ Mỹ có những biện pháp mạnh mẽ hơn để giảm thiểu bạo lực súng đạn, đặc biệt khi xả súng đã cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em. 

Người biểu tình: “Tất cả mọi người ở đây đều là nạn nhân. Tất cả chúng tôi đều đã chịu những ảnh hưởng do bạo lực súng đạn… Bạo lực súng đạn đã và đang gây ra những tổn thương cho cộng đồng của chúng ta. Chúng tôi muốn thúc đẩy an toàn súng đạn, chúng tôi muốn đẩy mạnh cải cách về sử dụng súng.”

Ngày 2/6 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng kêu gọi Quốc hội nước này cấm các loại vũ khí sát thương, mở rộng quy định kiểm tra lý lịch và các biện pháp kiểm soát súng khác. Theo ông Biden, súng đạn chính là nguyên nhân số 1 gây ra cái chết cho trẻ em, nhiều hơn cả các ca tử vong do tai nạn xe hơi hay bệnh hiểm nghèo. 

Tổng thống Mỹ JOE BIDEN: “Chúng ta cần cấm các loại vũ khí tấn công. Và nếu như không thể cấm, thì chúng ta cũng nên nâng độ tuổi được phép mua súng từ 18 lên 21 tuổi, tăng cường kiểm tra lý lịch, ban hành luật lưu trữ súng an toàn, hủy bỏ quyền miễn trừ bảo vệ các nhà sản xuất súng khỏi trách nhiệm pháp lý. Chúng ta cũng cần giải quyết cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần và những chấn thương tâm lý hậu bạo lực súng đạn.”

Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ đang cố gắng thúc đẩy thông qua Đạo luật bảo vệ trẻ em, với những quy định nhằm hạn chế hoạt động mua bán súng đạn, hạn chế các loại vũ khí có khả năng sát thương cao. Tuy nhiên, chặng đường để dự luật được thông qua tại Thượng viện được đánh giá là vẫn còn nhiều gian nan. Trong suốt chiều dài lịch sử nước Mỹ, kiểm soát súng đạn đã trở thành một trong những vấn đề xã hội nan giải, gây chia rẽ sâu sắc trong xã hội. Theo các nhà phân tích, bất ổn xã hội, đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh đã thôi thúc tâm lý sở hữu súng đạn của hàng triệu người Mỹ.

Kim Ngọc