Bạo lực trẻ em gia tăng trong đại dịch Covid-19

Ứng xử của người lớn hậu li hôn, đạo đức xã hội xuống cấp được cho là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng bạo lực trẻ em hiện nay. Tại phiên giải trình về Tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em, sáng 21/02, tại Nhà Quốc hội, một số đại biểu chỉ rõ, những biện pháp đã và đang thực hiện chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em hiện nay vẫn là chưa đủ.

Các đại biểu cho rằng, tình hình xâm hại trẻ em năm 2021 mặc dù giảm về số vụ nhưng diễn biến phức tạp và xảy ra một số vụ đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực trẻ em, trong đó có nhận thức của gia đình, cộng đồng dân cư về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ; nhiều thói quen, phong tục, tập quán như văn hoá “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”.

Ông ĐÀO NGỌC DUNG, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội: Mấy vụ việc vừa qua là điển hình đạo đức xã hội đã xuống cấp. Xung đột gia đình và ứng xử của người lớn hậu li hôn cũng có vấn đề. Tất cả các vụ việc vừa qua đều bất đột từ xung đột gia đình mà không tìm cách xử lý được dẫn đến hành động bất bình thường. Các mâu thuẫn gia đình thì trẻ em là đối tượng chịu hậu quả đầu tiên."

Ông TÔ CAO LANH, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an: “Các vụ bạo lực trẻ em hầu hết do chính người thân, người có trách nhiệm nuôi dưỡng, quản lý, gần gũi với các em thực hiện trong môi trường hẹp và kín nên rất khó cho việc phát hiện, áp dụng các biện pháp phòng ngừa. Nhiều người dân còn có quan niệm xâm hại tình dục hay bạo lực trẻ em là việc của mỗi gia đình vì vậy chưa cho ý thức phát hiện, tố giác, ngăn chặn tội phạm. Mặt khác, đại dịch Covid-19 với hình thức giãn cách xã hội, người dân mất việc làm, khó khăn kinh tế, mâu thuẫn trong gia đình là một trong những nguyên nhân gia tăng bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em."

Các đại biểu cũng cho rằng, kênh thông tin, truyền thông, bao gồm cả truyền thông đại chúng, mạng xã hội vẫn còn vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em và tập trung đưa quá nhiều, khai thác chi tiết về một số vụ việc, làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả công tác bảo vệ trẻ em đã đạt được trong thời gian qua.

Bà TRẦN THỊ THU ĐÔNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu: “Đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng nguy cơ, mức độ rủi ro đối với trẻ em. Tình trạng này làm gia tăng nguy cơ trẻ em bị xâm hại; đặt ra nhiều vấn đề yêu cầu mới phức tạp hơn đối với công tác bảo vệ trẻ em. Nguồn lực trong phòng chống xâm hại trẻ em cả nhân lực và tài chính đều rất hạn chế."

Bà NGUYỄN THỊ VIỆT NGA, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương: “Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Qua giám sát khảo sát cho thấy có nhiều người chưa biết đến Tổng đài 111 và cá biệt có cả trường hợp là cán bộ làm công tác trẻ em."

Bên cạnh đó, việc hiểu biết về pháp luật nói chung và pháp luật về quyền trẻ em nói riêng chưa được các cấp, các ngành quan tâm thỏa đáng. Pháp luật chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe những người có hành vi bạo lực; bất bình đẳng giới cũng là nguyên nhân sâu xa dẫn đến bạo lực với trẻ em.

Các đại biểu cũng tập trung yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan hữu quan giải trình, làm rõ tính đầy đủ, toàn diện của hệ thống pháp luật hiện hành về phòng chống bạo lực trẻ em; trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về chăm sóc, bảo vệ trẻ em và lực lượng chức năng trong xử lý các vụ bạo lực trẻ em thời gian gần đây; hiệu quả của cơ chế phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực trẻ em./.

Như Huỳnh