• 2062 lượt xem
  • 05:13 25/06/2022
  • Văn hóa

Bảo quản bảo vật quốc gia cần sự đầu tư bài bản hơn nữa

Trong hơn 300 hiện vật, nhóm hiện vật đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia, có khá nhiều hiện vật, nhóm hiện vật đang được lưu giữ trong các bảo tàng địa phương.

Việc Bảo vật Quốc gia được lưu giữ trong bảo tàng tỉnh vừa là cơ hội để người dân, du khách thập phương dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu về bảo vật, và cũng vừa là cơ hội để các bảo vật đó được chăm sóc, bảo quản tốt hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay nhiều địa phương, thậm chí là cả các bảo tàng tại các thành phố lớn đều có vướng mắc trong công tác lưu giữ, bảo quản các Bảo vật Quốc gia.

Đây là kho lưu trữ hơn 1000 ván khắc của bộ mộc bản Hải Thượng Lãn Ông y tông tâm lĩnh tại Bảo tàng Bắc Ninh – một trong 23 Bảo vật Quốc gia vừa được công nhận năm 2021.  Để có thể sắp xếp được các ván khắc lên trên giá kệ như thế này, các cán bộ chuyên môn của Bảo tàng Bắc Ninh đã mất không ít công sức.

Bà NGUYỄN THỊ HÁI – Cán bộ chuyên môn Bảo tàng Bắc Ninh: "Hiện nay thì bộ mộc bản này đã được cán bộ của Bảo tàng Bắc Ninh phân thành bộ, thành quyển, đặt trên các giá kệ rất là khoa học nhằm đảm bảo tốt nhất cho các mộc bản này. Và hàng năm thì chúng tôi cũng làm công tác chống mối mọt cho hiện vật, đó là công tác bảo quản phòng ngừa. Hàng năm chúng tôi cũng kiểm tra hiện vật định kỳ, nếu mộc bản nào bị hư hại, hoặc bị mối mọt nặng thì chúng tôi sẽ bảo quản trị liệu cho hiện vật nhằm kéo dài tuổi thọ cho bộ mộc bản rất quý giá này”.

Tuy nhiên, nhìn mắt thường cũng có thể thấy, không gian lưu giữ bộ mộc bản này cũng tương tự như những cái kho để các loại hiện vật khác, không hề có một chế độ bảo quản riêng biệt hay đặc biệt nào. Điều này vô hình chung đã làm giảm giá trị của bộ mộc bản và ít nhiều cũng có những tác động đến tuổi thọ của bảo vật.

Bà NGUYỄN THỊ TRỌNG  – Giám đốc Bảo tàng Bắc Ninh: ”Với điều kiện của Bảo tàng Bắc Ninh hiện nay thì cái kho để lưu giữ, bảo quản hiện vật mộc bản này nó vẫn còn rất là thiếu thốn. Đặc biệt là về các cái trang thiết bị để mà lưu giữ bảo quản lâu dài hiện vật như là máy đô độ ẩm, nhiệt kế hay là một không gian, một cái giá để bảo quản riêng biệt các bộ mộc bản này”.

Bên cạnh những khó khăn về cơ sở vật chất để bảo quản bảo vật, thì khó khăn về con người cũng là điều mà nhiều bảo tàng địa phương gặp phải. Bởi bảo vật quốc gia mỗi nơi mỗi khác, với đa dạng hình thái, màu sắc, chất liệu, nếu không có kiến thức, phương pháp bảo quản riêng biệt cho từng hiện vật thì khó có thể kéo dài được tuổi thọ của các hiện vật có giá trị như thế này.

Bà NGUYỄN THỊ HƯƠNG THƠM – Trưởng phòng Bảo quản, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia: ”Bảo quản nó đòi hỏi những kiến thức chuyên sâu. Ngoài kiến thức về bảo tàng học, kiến thức về lịch sử xã hội thì phải có cả những kiến thức về tự nhiên. Bởi vì sự hủy hoại đối với hiện vật nó là tác động của môi trường, tác động của thiên nhiên và nó là những cái mà phải có những kiến thức về tự nhiên, vật lí, hóa học, sinh học để mình có thể tìm hiểu, nắm bắt cấu trúc hiện vật, kết cấu, về cơ cấu, rất là nhiều thứ để mà mình có thể kiểm soát được quá trình xuống cấp của hiện vật”.

Sau 10 năm triển khai, danh hiệu "Bảo vật Quốc gia" ngày càng đến gần hơn với công chúng, những giá trị đặc biệt ẩn chứa trong các bảo vật của đất nước đang dần được công chúng đón nhận. Thế nhưng, để những Bảo vật Quốc gia thật sự xứng tầm với danh hiệu thì cùng với công tác tuyên truyền, phát huy giá trị, các địa phương cũng cần phải tập trung hơn nữa vào công tác lưu giữ, bảo quản. Chỉ khi những Bảo vật Quốc gia được đối xử đặc biệt thì những hiện vật đó mới thật sự trở nên đặc biệt trong mắt công chúng.

Anh Thư