Du lịch văn hoá được xác định là 1 trong 12 lĩnh vực của nền công nghiệp văn hoá. Và để có thể phát triển được ngành du lịch văn hoá thì một trong những yếu tố trọng tâm, cốt lõi là phải bảo vệ được những giá trị di sản của dân tộc. Bởi di sản chính là hồn cốt, là bộ mặt, là thương hiệu của đất nước trong thời kì hội nhập.
Điều đáng mừng là trong những năm gần đây, cả các cấp Trung ương cũng như địa phương đều nỗ lực trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, từ đó tạo ra những giá trị kinh tế nổi bật thông qua du lịch. Đây là những tín hiệu tích cực trong bối cảnh vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức để đưa nền công nghiệp văn hoá của Việt Nam ra với thế giới và nó cũng cho thấy những kỳ vọng ở việc đầu tư cho văn hóa để phát triển đất nước bền vững.
Những câu chuyện đang diễn ra tại vùng Cao nguyên đá Đồng Văn Hà Giang có thể coi là ví dụ cho việc gìn giữ di sản để phát triển công nghiệp văn hoá. Tất nhiên, sự phát triển ấy chưa thể gọi là một ngành công nghiệp, nhưng nhìn vào sự tăng trưởng du lịch qua từng năm thì tương lai về một ngành công nghiệp du lịch trên vùng núi đá vôi cằn cỗi này là điều có thể xảy ra. Quay trở lại với những trung tâm lớn của đất nước, chúng ta đã xây dựng được những điểm du lịch trọng tâm gắn với những giá trị di sản cả về vật thể lẫn phi vật thể. Điển hình, nhắc đến Huế thì không thể bỏ qua hệ thống lăng tẩm triều Nguyễn hay nhã nhạc cung đình Huế; nhắc đến Hội An thì không thể bỏ qua phố cổ Hội An; nhắc đến thủ đô Hà Nội thì không thể bỏ qua phố cổ Hà Nội hay đặc biệt là Hoàng Thành Thăng Long. Đây đều là những di sản mang tầm quốc gia, quốc tế; đang được bảo tồn hiệu quả và đã trở thành thương hiệu cho ngành du lịch văn hóa của địa phương cũng như đất nước.
Theo con số thống kê tại nhiều nước phát triển thì ngành công nghiệp văn hóa có thể đem lại doanh thu lên tới hàng tỉ đô la Mỹ. Chính vì vậy, đặt mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa khi chúng ta đã có sẵn tiềm năng, thế mạnh là hướng đi vô cùng đúng đắn. Việc cần làm là chúng ta cần phải có những giải pháp, những định hướng bài bản để bảo tồn, bảo vệ tốt những tiềm năng, thế mạnh đó. “Có bột mới gột được hồ”, phải có di sản, có những giá trị di sản riêng biệt thì Việt Nam mới có thể định vị thương hiệu văn hoá của riêng mình trên bản đồ thế giới.
Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!