Bảo vệ bản quyền trên không gian mạng

Hiện nay, tình trạng xâm phạm tác quyền (quyền sao chép) đã không còn là một hiện tượng có tính đơn lẻ mà đã trở thành hiện tượng có tính hệ thống. Điều này đặt ra quy định và thực thi pháp luật nhằm đảm bảo quyền tác giả và quyền liên quan cho các chủ sở hữu.

Đây là nội dung được đề cập tại Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định chi tiết về quyền tác giả, quyền liên quan do Cục Bản quyền tác giả tổ chức sáng 13/10, tại Hà Nội.

Thực tế cho thấy, công nghệ hiện đại đã tạo ra môi trường lưu giữ, khai thác, sử dụng đa dạng các tác phẩm, cuộc biểu diễn... Tuy nhiên, nhiều hoạt động sao chép tác phẩm (tác quyền) trong kinh doanh, thương mại ở nước ta diễn ra trái phép, người làm bản sao tác phẩm không xin phép và không trả tiền thù lao cho chủ sở hữu như quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ và các điều ước quốc tế áp dụng tại Việt Nam. Theo các chuyên gia, thực trạng này ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của chủ sở hữu và gây khó khăn cho nhiều quốc gia trong quản lý và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Thực tế, Việt Nam gia nhập và là thành viên của Hiệp ước về quyền tác giả (Hiệp ước WCT) và Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm (Hiệp ước WPPT) cũng góp phần giải quyết những thách thức đặt ra. Về cơ bản, hệ thống các quy định pháp luật của nước ta đáp ứng yêu cầu bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại quốc gia và hội nhập quốc tế. Hoạt động tự bảo vệ quyền có chuyển biến tích cực, nhiều tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm… đã chủ động thực hiện nghĩa vụ xin phép, thanh toán tiền bản quyền cho chủ sở hữu.

Triển khai Luật đạt hiệu quả, các chuyên gia cho rằng trong Nghị định dự kiến trình Chính phủ trong tháng 11 tới cần quy định chi tiết những vấn đề liên quan tới môi trường số, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo và bảo hộ thành quả sáng tạo, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời gian tới.

Sỹ Cường