Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng

Trong những năm gần đây, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ và trở thành kênh phân phối được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Tuy nhiên, hoạt động thương mại điện tử vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi hàng giả, hàng nhái xuất hiện.

Do đó, tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), các ý kiến đề nghị việc sửa đổi luật cần phải cần tăng cường công tác quản lý, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng trên không gian mạng.

Đối với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù, một số đại biểu đề nghị bổ sung hợp đồng theo mẫu đối với giao dịch qua môi trường điện tử, nền tảng thương mại điện tử và giải quyết tranh chấp trực tuyến đối với các giao dịch tiêu dùng giá trị nhỏ và giao dịch điện tử. Đồng thời, rà soát các nội dung liên quan, đối chiếu với các quy định trong dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội TRẦN THANH MẪN: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số, thương mại điện tử, rồi nhiều phương thức kinh doanh, tiêu dùng mới ra đời và phát triển. Vì vậy, đòi hỏi phải có sự thay đổi phù hợp cách tiếp cận đối với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam. Ở đây, đặc biệt trên không gian mạng là chúng ta bổ sung đưa vào, nhấn mạnh.

Ông NGUYỄN HỒNG DIÊN - Bộ trưởng Bộ Công Thương:  "Về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù, đặc biệt là giao dịch trên không gian mạng, đây là vấn đề quan trọng đã được bộ và các cơ quan, tổ chức, cá nhân dành rất nhiều thời gian để trao đổi, hoàn thiện trong thời gian vừa rồi. Như ý kiến của đại biểu đề cập một số nội dung cụ thể như là quy định về hợp đồng theo mẫu trong giao dịch thương mại điện tử hay bảo đảm chất lượng hàng hóa khi giao dịch trên môi trường không gian mạng, bảo đảm tính thống nhất với các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Đối với ý kiến này, bộ sẽ tiếp thu để tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, tạo cơ sở tiếp tục hoàn thiện dự án luật".

Các ý kiến đề nghị Chính phủ rà soát kỹ các quy định áp dụng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các luật có liên quan, đảm bảo rõ ràng, cụ thể, khả thi, bao quát được thực tiễn phát sinh và sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, thương mại điện tử, các phương thức kinh doanh và tiêu dùng mới để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng đối với giao dịch điện tử, các mô hình kinh doanh mới, mô hình kinh doanh nội dung số qua mạng internet.

Dương Dung