Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ, công trình thắm tình hữu nghĩ Việt Nam - Hungary

Được khởi công vào năm 2017, bệnh viện Ung bướu Cần Thơ có tổng mức đầu tư hơn 1.720 tỷ đồng. Trong đó, vốn ODA của Chính phủ Hungary hơn 1.390 tỉ đồng chiếm 80%. Đây là công trình trọng điểm và cấp thiết, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và mang dấu ấn tình hữu nghị Việt Nam – Hungary.

Công trình bệnh viện Ung bướu Cần Thơ đang trong quá trình hoàn thiện, mặc dù có hạn chế về tiến độ hoàn thành nhưng phần cứng đã được thi công cơ bản, với quy mô 500 giường bệnh, tổng diện tích xây dựng gần 15.500 m2, diện tích sàn sử dụng là 47.646 m2 gồm 4 khối nhà chính và các hạng mục phụ trợ.

Ông Dương Tấn Hiền, Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ: “Được sự tài trợ của Chính phủ Hugaray tài trợ cho thành phố Cần Thơ để xây dựng bệnh viện Ung bướu tôi nghĩ bệnh viện hoàn thiện đó là thì có một cơ sở vật chất tốt phục vụ cho công tác khám và điều trị cho người dân cũng như có một cơ sở cho y bác sĩ học tập nghiên cứu ở đây”.

Bệnh viện Ung bướu hiện hành được thành lập từ năm 2012 trong điều kiện khó khăn. Thời gian qua, bệnh viện đã nỗ lực đầu tư sửa chữa cơ sở xuống cấp, mua sắm nhiều trang thiết bị, máy móc để phục vụ bệnh nhân nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, do tình trạng quá tải lượng bệnh mỗi năm tăng khoảng trên 30%.

Bác sĩ Chuyên khoa 2, Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ: “Bệnh nhân có ngày lên đến 600 bệnh nhân mà chỉ có 400 giường với đội ngũ nhân viên hiện tại thì cái lượng công việc và số lượt bệnh nhân, nói chung với điều kiện như vậy và lực lượng cơ sở vật chất như vậy thì hiện nay quá tải”.

Mong muốn công trình sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng một bệnh viện hiện đại, sẽ góp phần khám, chữa bệnh, nâng cao sức khỏe cho người dân Cần Thơ nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Bác sĩ Chuyên khoa 2, Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ: “Chính phủ Hungary mà tài trợ xây dựng bệnh viện như vậy là góp phần rất là lớn về vấn đề điều trị cho bệnh nhân khu vực Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu long với tiêu chuẩn châu Âu hiện đại như vậy sẽ góp phần chuẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân nhất là trong điều trị xạ trị”.

Hiện công trình đang có phương án đẩy nhanh tiến độ, thời gian không lâu sẽ được đưa vào sử dụng, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với người dân vùng Đồng bằng sông Cửu long, đáp ứng nhu cầu khám, tầm soát và điều trị ung bướu ngày một tăng của người dân. Đây sẽ là dấu mốc quan trọng về tình hữu nghị Việt Nam – Hungary./.
 

Chí Điển