Biến đổi khí hậu trở thành thách thức an ninh toàn cầu

Dù ở mức độ quốc gia hay toàn cầu thì biến đổi khí hậu vẫn được xem là vấn đề cấp bách, có tác động tới tiến trình phát triển bền vững trên toàn thế giới. Tác động do biến đổi khí hậu đang trở thành nguyên nhân gây ra những thách thức an ninh khí hậu, đòi hỏi các quốc gia phải hợp tác cùng nhau để giải quyết các thách thức này.

Các chuyên gia nhận định, thế giới đang phải đối mặt với thiên tai ở nhiều nơi, biến đổi khí hậu cũng là một trong những tác nhân dẫn tới đói nghèo, làm ảnh hưởng đến sinh kế của hàng trăm triệu người dân ở các nước đang phát triển, gây mất ổn định hoặc làm trầm trọng các cuộc xung đột tại nhiều khu vực, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, từ đó đe dọa môi trường hòa bình và an ninh quốc tế.

Bà KANNI WINGARAJA - Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP):Thế giới gần đây đang phải đối mặt với các cú sốc về kinh tế, xã hội cũng như con người. Chính vì vậy, điều thiết yếu là chúng ta cần phải tận dụng thời khắc này để khẳng định vai trò quan trọng trong những hoạt động giúp cho chúng ta vừa sống sót, vừa sống tốt. Những áp lực biến đổi khí hậu tạo nên chẳng hạn như mực nước biển dâng tác động đến an ninh, con người và gây ra rủi ro với phát triển con người, đặc biệt cho những người dễ bị tổn thương nhất. Đây không phải là điều gì đó xa vời, mà nó đang diễn ra ngay vào thời điểm bây giờ rồi. Chúng ta không thể phớt lờ điều đó.”

Ông DAN SMITH - Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm: “Bức tranh tổng thể cho thấy, thế giới đang ngày càng bất ổn. Số người thiệt mạng trong các xung đột dữ dội, số người phải di tản, người mất nhà cửa… đều tăng lên trong những thập niên vừa qua. Điều này cho thấy, chúng ta đang phải đối mặt với các khủng hoảng kép. Biến đổi khí hậu đang gây ra tình trạng đói nghèo và di tản tại nhiều nước ở Trung Mỹ và Châu Phi.”

Các chuyên gia cảnh báo về những rủi ro mà các vùng ven biển phải đối mặt khi biến đổi khí hậu diễn biến khó lường, nước biển dâng cao và thế giới ngày càng nóng lên là một quá trình không thể đảo ngược. 

Bà KANNI WINGARAJA - Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP): “Mật độ dân cư dày đặc ở vùng duyên hải sẽ dẫn đến việc rất nhiều người sẽ bị tác động và mất nhà cửa do thiên tai. Chúng ta có Hiệp định Paris, có những mục tiêu đặt ra về giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính, do đó, chúng ta phải xem xét và giải quyết những vấn đề đã và đang đe dọa con người, có thể khiến cho 800 triệu người gặp phải rủi ro.”

Ông ĐỖ HÙNG VIỆT - Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao: “Hiện nay, chúng ta đang đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, như khủng hoảng an ninh, khủng hoảng khí hậu, khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng xã hội từ khủng hoảng con người. Do đó, đã đến lúc phải có hành động đối với biến đổi khí hậu, bởi biến đổi khí hậu đã và đang đặt ra những rủi ro cho an ninh toàn cầu".

Trước thực trạng cấp thiết này, các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác song phương và đa phương trong giải quyết các thách thức toàn cầu, đồng thời hối thúc các chính phủ hành động khẩn cấp, thay đổi chính sách, đổi mới tư duy, hướng tới phát triển bền vững, bảo vệ những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất trước cuộc khủng hoảng khí hậu.
 

Đinh Giang