Biên giới biển đảo quê hương: Hợp tác khoa học ở Biển Đông - Bề dày lịch sử và những lợi ích to lớn

Không chỉ là một trong những vùng biển chiến lược quan trọng nhất trên thế giới, Biển Đông còn là khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên, có mức độ đa dạng sinh học cao, chiếm 1/3 số loài sinh vật biển trên toàn thế giới. Từ thực tế này, nghiên cứu khoa học trở thành một yêu cầu cấp thiết để hiểu biết rõ ràng hơn về nguồn lợi tự nhiên.

Việt Nam nằm trong số những quốc gia có lịch sử nghiên cứu biển sớm với Viện Hải dương học tại Nha Trang tròn 100 năm tuổi vào năm 2022.

Từ những năm 20 của thế kỷ trước, tàu De Lanessan (từ Cộng hòa Pháp) đã có nhiều cuộc khảo cứu vùng Biển Đông, chủ yếu phục vụ nghề cá. Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương (nay là Viện Hải dương học) đóng tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa là tổ chức đầu mối thực hiện chính của phía Việt Nam.Với trang thiết bị nghiên cứu hiện đại, tàu đã thực hiện 52 chuyến khảo sát, thu mẫu 577 trạm trên khắp vùng biển Việt Nam, trong đó có cả 2 quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa, qua đó không chỉ thu thập các dữ liệu khoa học mà còn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa – Hoàng Sa. Tiếp đó, các chương trình hợp tác giữa Việt Nam - Trung Quốc (1959 - 1962), Việt Nam - Liên Xô (1960 - 1961) nghiên cứu, đánh giá nguồn lợi cá nổi và trữ lượng cá ở tầng đáy của Vịnh Bắc Bộ đã được triển khai tích cực.

Từ sau năm 1975, cùng với các hoạt động hợp tác về nghiên cứu biển với các Viện ở vùng Viễn Đông của Liên Xô trước đây (và sau này là Liên bang Nga), Việt Nam đã triển khai nhiều dự án hợp tác với cơ quan khoa học biển của các nước như: Nhật Bản, Pháp, Đức, Bỉ, Malaysia, Mỹ… cùng các tổ chức, chương trình quốc tế và khu vực.

Từ năm 1996-2007, Việt Nam và Philippines đã hợp tác thành công 4 chuyến khảo sát nghiên cứu khoa học biển ở khu vực biển Đông được biết đến với tên gọi Chương trình khảo sát nghiên cứu khoa học biển và hải dương học chung ở Biển Đông (JOMSRE-SCS).

Cùng với đó, việc hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc trong lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển cũng được hai nước tích cực triển khai. Trong khuôn khổ này, một số dự án nghiên cứu khoa học biển như dự án “Nghiên cứu so sánh trầm tích thời kỳ Hô-lô-xen khu vực châu thổ sông Hồng và sông Trường Giang”; dự án “Hợp tác nghiên cứu về quản lý môi trường biển và hải đảo khu vực Vịnh Bắc Bộ”; dự án “Nghiên cứu so sánh môi trường địa chất và tai biến địa chất biển khu vực châu thổ sông Hồng và sông Trường Giang” đã và đang triển khai thành công, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam -Trung Quốc và duy trì hòa bình, ổn định và an ninh trên biển. 

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Kim Ngọc