Bổ sung nhiều chính sách mới để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Chiều 15/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

So với Luật hiện hành, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi bổ sung 29 Điều, sửa đổi 49 Điều. Trong đó, bổ sung  một Chương mới về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù; bổ sung quy định về khái niệm và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương; Bổ sung quy định nhằm xác định rõ quyền, nghĩa vụ, hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Quy định rõ hơn về trách nhiệm chung và trách nhiệm quản lý ngành của Bộ Công Thương, trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố đối với việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực được phân công quản lý và tại địa phương. 

Thẩm tra về dự án luật này, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam để bảo đảm tính khả thi của một số quy định, tránh việc quy định chung, khó định lượng. Về khái niệm “người tiêu dùng”, nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu giữ lại đối tượng là “tổ chức” trong khái niệm “người tiêu dùng”. 

Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị cần quy định rõ trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba thực hiện việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, huỷ bỏ thông tin của người tiêu dùng thì phải được sự đồng ý của người tiêu dùng.  Đồng thời, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định phân công rõ đầu mối, nhiệm vụ cho cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và tổ chức xã hội tham gia BVQLNTD cũng như xây dựng cơ chế phối hợp phù hợp để tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia BVQLNTD hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. 

Thùy Linh