Bổ sung những hành vi ép buộc thành viên gia đình phải nghe, xem, chứng kiến các hành vi bạo lực tình dục

Sáng 24/8, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị phản biện xã hội nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Hội Nghị do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ phối hợp tổ chức.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung phân tích, góp ý kiến liên quan đến các nhóm vấn đề trong dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) bao gồm: Đảm bảo thực hiện quyền, trách nhiệm của người bị bạo lực là phụ nữ và trẻ em; đảm bảo hiệu quả công tác hoà giải trong phòng chống bạo lực gia đình; tăng cường công tác xã hội hoá công tác phòng chống bạo lực gia đình; biện pháp giáo dục chuyển đổi hành vi đối với người gây bạo lực.

Đánh giá dự thảo luật đã chú trọng quy định về hành vi bạo lực tình dục trong bối cảnh gia tăng các vụ việc xâm hại tình dục với phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị cần rà soát để quy định cụ thể, dễ hiểu hơn nhưng cũng bao quát hết các hành vi bạo lực tình dục; Đồng thời đảm bảo biện pháp xử lý hành vi này đồng bộ với pháp luật hiện hành liên quan.

Ông NGUYỄN HỒNG HẢI, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp: “Cần rà soát, bổ sung những hành vi ép buộc thành viên gia đình phải nghe, xem, chứng kiến các hành vi bạo lực về mặt tình dục hoặc quan hệ tình dục trái với đạo đức, trái với pháp luật”.

Luật sư TRẦN THỊ NGỌC NỮ, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Thành phồ Hồ Chí Minh: “Nạn nhân bị bạo lực tình dục chúng tôi khó tiếp xúc. Chúng tôi cũng lên án mạnh mẽ vấn về bạo hành về tình dục. Các chị bị bạo hành mà tố cáo thì chúng tôi sẽ yêu cầu phải xử lý nghiêm các đối tượng đó”.

Tại hội nghị các chuyên gia đến từ tổ chức quốc tế cũng đưa ra khuyến nghị, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cần được sửa đổi tập trung vào việc tạo ra hoạt động ứng phó phối hợp của cộng đồng đối với bạo lực gia đình; nêu rõ vai trò của cơ quan hành pháp, công tố và tư pháp; có các biện pháp bảo vệ mạnh mẽ hơn, nhấn mạnh vào cả sự an toàn của người bị bạo lực và trách nhiệm giải trình của người gây bạo lực, phù hợp với luật pháp và tiêu chuẩn quốc tế.

Như Thảo