Bổ sung quy định nhận diện các hành vi bạo lực gia đình

Chiều 5/4, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã tổ chức phiên họp thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp.

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành cần được sửa đổi, bổ sung để giải quyết những bất cập trong thực tiễn thi hành nhằm tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền con người theo Hiến pháp năm 2013. 

Theo đó, dự thảo luật sửa đổi tập trung vào 03 nội dung chính trong các chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 178 của chính phủ, bao gồm: Các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình. Cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình; Khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống bạo lực gia đình, tuy nhiên, để tăng tính thuyết phục, Ủy ban Xã hội đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục làm rõ và nổi bật hơn những bất cập, hạn chế của các quy định trong Luật hiện hành, nghiên cứu, rà soát, bổ sung các quy định để có thể nhận diện các hành vi bạo lực gia đình đối với một số nhóm đối tượng đặc biệt như trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người khuyết tật và tương ứng với đó, phải có các quy định phù hợp với các nhóm đối tượng này, có các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, bảo vệ. 

Thảo luận tại phiên họp, một số đại biểu cho rằng cần giải thích rõ ràng một số khái niệm như “thành viên gia đình”, “người có nguy cơ cao bị bạo lực gia đình” để đảm bảo thống nhất cách hiểu về những khái niệm này trong phạm vi điều chỉnh, áp dụng của luật, tránh mâu thuẫn trong các đối tượng áp dụng của luật. Cùng với đó, cần làm rõ nội hàm của bạo lực gia đình trên các khía cạnh thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xử lý các vụ việc bạo lực gia đình. Đồng thời cần cân nhắc việc mở rộng các đối tượng áp dụng luật bao gồm cả những người đã ly hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chồng, vì hành vi bạo lực giữa các đối tượng này đã được quy định tại Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính./.

Cao Hoàng