Bộ Tài chính thu hẹp mục đích phát hành trái phiếu doanh nghiệp sau vụ Tân Hoàng Minh

Sau vụ việc liên quan đến Tân Hoàng Minh, Bộ Tài chính đã đánh giá, rà soát và xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153 năm 2020 của Chính phủ theo hướng tăng cường tính công khai, minh bạch, giảm thiểu các rủi ro phát sinh, chẳng hạn như thu hẹp mục đích phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Hành động này nhằm mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng kiến nghị Chính phủ, Quốc hội tiếp tục sửa Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp vào thời gian tới.

Một trong các kiến nghị được Bộ đưa ra là thu hẹp quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm hạn chế việc chuyển nhượng vốn lòng vòng, gây thiếu minh bạch và khó khăn cho nhà đầu tư khi đánh giá rủi ro của trái phiếu và doanh nghiệp phát hành. Đồng thời, hướng dẫn cụ thể về điều kiện phát hành và hồ sơ chào bán trong đó có yêu cầu về tỷ lệ an toàn tài chính khi phát hành trái phiếu, tổ chức đại diện người sở hữu trái phiếu.

ĐỀ NGHỊ 8 NGÂN HÀNG LỚN CUNG CẤP HỒ SƠ LIÊN QUAN ÔNG TRỊNH VĂN QUYẾT

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) vừa gửi văn bản đến 8 ngân hàng lớn gồm: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank); Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank); Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank); Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank); Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB); Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB).
Trong văn bản này, C01 đề nghị các ngân hàng phối hợp cung cấp: Hồ sơ mở tài khoản; thông tin tài khoản thanh toán, tiết kiệm, tiền vay (VND và ngoại tệ); sao kê tài khoản; sổ phụ tài khoản, chứng từ giao dịch (các bút toán giao dịch ký, nhận, chuyển tiền) từ năm 2016 đến nay của ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch FLC) và 5 lãnh đạo, cựu lãnh đạo của Tập đoàn FLC.