Bộ trưởng Bộ Công an: "Mình ra được cái khiên này, tội phạm tham nhũng lại có cái mác khác"

Cũng trong sáng 15/09, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo thẩm tra và thảo luận về báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022. Theo đó, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực có bước tiến mạnh, đột phá. Các cơ quan chức năng đã phát hiện gần 400 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ, tăng hơn 33%.

Năm 2022, tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm. Tuy nhiên, hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn, xảy ra trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước; tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp. Các Cơ quan điều tra đã khởi tố mới hơn gần 400 vụ, gần 850 bị can.

Ông HOÀNG THANH TÙNG, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: "Chúng tôi cũng đề nghị báo cáo làm rõ thêm nguyên nhân vì sao thời gian qua rất nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, nguy hiểm cũng đã được xử lý hết sức quyết liệt và xử lý nghiêm, có tính răn đe rất cao nhưng mà loại tội phạm này như chúng ta thấy là vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm mà lại còn tăng lên tương đối cao (trên 33%)."

Đại tướng TÔ LÂM, Bộ trưởng Bộ Công an: "Cơ bản là chúng ta đã ngăn chặn được bước đầu những tham nhũng, những việc đó. Tham nhũng này càng tinh vi, càng phức tạp, càng khó khăn khi chúng ta đã tổ chức đấu tranh, đối phó của tội phạm là chuyện tất nhiên. Mình cứ ra được cái khiên này thì nó lại có mác khác, luôn luôn có cạnh tranh về việc như vậy, càng phức tạp. Rồi các vụ án kinh tế cũng thế thôi. Một vụ án thôi nhưng cảnh tình toàn lĩnh vực cả một vùng, những yếu tố đó rất quan trọng. Trước đây có thể chúng ta làm chưa đến tầm mức độ như vậy."

Trong năm 2022, đã xử lý 637 vụ với 1.366 bị can phạm tội tham nhũng, tăng 107 vụ, 311 bị can so với cùng kỳ năm trước. Việc thu hồi các khoản thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế tăng thêm hơn 8.000 tỷ đồng so với năm 2021.

Ông LÊ THÀNH LONG, Bộ trưởng Bộ Tư pháp: "Nguyên nhân thì nó có nhiều, nhưng trong án tham nhũng, kinh tế tôi cho một cú hích về mặt chiến lược đó là có Chỉ thị 04 của Ban Bí thư về tăng cường thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; sửa đổi, bổ sung một số các văn bản quy phạm pháp luật trong đó có một số điều về ủy thác thi hành án trong Luật Thi hành án dân sự."

Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh việc rà soát các quy phạm pháp luật nhằm phát hiện những sơ hở, bất cập, lạm dụng để tham nhũng, tiêu cực.

Ông ĐOÀN HỒNG PHONG, Tổng Thanh tra Chính phủ: "Thanh tra Chính phủ sẽ tham mưu, bổ sung nội dung đánh giá dự thảo tình hình tham nhũng trong báo cáo chính thức trình Quốc hội tới đây, nhất là bổ sung đánh giá về tình trạng móc nối, tiếp tay của cán bộ nhà nước với doanh nghiệp để trục lợi, chiếm đoạt tài sản nhà nước còn diễn ra ở một số lĩnh vực; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chậm được khắc phục; tình trạng tội phạm tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ phòng, chống vẫn còn xảy ra."

Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, quản lý thuế...; đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, nhất là đối với các vụ án tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Quang Sỹ