Bộ trưởng Bộ Công thương: Kinh phí phục vụ điều tra cơ bản về dầu khí được bố trí từ nguồn lực Nhà nước

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, đến nay tất cả các điều khoản trong quy định của dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) đã cơ bản được hoàn thiện, trên cơ sở thống nhất cao giữa cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo. Bộ trưởng cũng sẽ tiếp tục trao đổi làm rõ những ý kiến đại biểu quan tâm.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, dự thảo luật đã được thiết kế một chương về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư ký kết hợp đồng dầu khí phù hợp với đặc thù của hoạt động dầu khí và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế. Về điều tra cơ bản về dầu khí, Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là hoạt động rất quan trọng, do Nhà nước thống nhất quản lý, làm căn cứ khoa học cho việc định hướng hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí.

 

Bộ trưởng Bộ Công thương NGUYỄN HỒNG DIÊN: "Trước đây PVN được hình thành và sử dụng Quỹ tìm kiếm, thăm dò dầu khí phục vụ điều tra cơ bản về dầu khí và tìm kiếm, thăm dò dầu khí. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không cho phép lập Quỹ tìm kiếm, thăm dò dầu khí. Do đó, việc bố trí kinh phí phục vụ điều tra cơ bản về dầu khí từ nguồn lực của Nhà nước, bao gồm cả ngân sách nhà nước, nguồn lợi sau thuế theo dõi tại PVN và nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân khác là cần thiết, đồng bộ với quy định của pháp luật về khoáng sản. Bên cạnh đó, điều tra cơ bản về dầu khí thực hiện theo cơ chế giao nhiệm vụ trên cơ sở danh mục đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc ký kết thỏa thuận giữa PVN và tổ chức khác chỉ được thực hiện khi không sử dụng vốn ngân sách nhà nước."

Về ưu đãi trong hoạt động dầu khí tại Chương VII, Bộ trưởng cho biết, Dự thảo luật đã quy định bổ sung đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt chưa được quy định tại Luật Dầu khí hiện hành.

Về nội dung quy định chính sách khai thác tận thu dầu khí, Bộ trưởng cho biết, tại Điều 55 dự thảo luật quy định giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu theo nguyên tắc doanh thu trừ chi phí. Theo đó, chênh lệch giữa doanh thu và chi phí thực hiện khai thác tận thu dầu khí thì được nộp vào ngân sách nhà nước. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam không được hưởng lợi nhuận từ hoạt động này.

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi chương trình!