Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư giải trình về nguồn vốn cho 2 dự án đường vành đai

Chỉ ra thực tế hiện nay rất nhiều dự án đường cao tốc sau khi hoàn thiện phương án khả thi thì bế tắc nguồn vốn dẫn đến khó thực hiện, do vậy, tại phiên thảo luận cho ý kiến về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có phương án bố trí đủ nguồn vốn, đảm bảo tiến độ của các dự án.

Cho rằng việc thực hiện 2 dự án đường vành đai về ngắn hạn tạo cơ hội phục hồi, phát triển kinh tế sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, tạo doanh thu, tạo việc làm cho người lao động. Về dài hạn, hai dự án này sau khi hoàn thành sẽ tạo cơ sở để các Bộ, ngành, các địa phương bổ sung hoàn chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội. Vì vậy, đại biểu đề nghị bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện dự án.

Ông KHUẤT VIỆT DŨNG, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: “Tôi đề nghị bố trí đủ nguồn vốn cho các dự án này để thực hiện trong kỳ dự án mà Chính phủ đã đề nghị cũng như là Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã thẩm định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến. Nếu cần ta phải cho phát hành trái phiếu vì thực tế nguồn lực trong dân của chúng ta còn đang rất nhiều và đang bị hút vào các dự án bất động sản mà vừa qua do một số vấn đề từ Thủ Thiêm… thì các doanh nghiệp bất động sản đã thổi giá lên rất cao. Trong đó các nhà đầu tư nhân dân của ta nguồn vốn bị thu hút vào đây rất nhiều, giá cả rất cao. Nếu như ta phát hành trái phiếu và khi ta mở rộng các vùng đô thị này thì tạo điều kiện để giảm được chi phí của các nhà đầu tư. Vì trong quá trình thực hiện dự án này sẽ phát sinh thêm.”

Ông NGUYỄN TRÚC SƠN, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre: “Cơ cấu sử dụng vốn của các tỉnh, thành phố khi tăng thu, nếu vượt dự toán ngân sách trung ương giao thì mới bố trí được cho các dự án đưa vào, còn lập kế hoạch đầu tư công trung hạn từ đầu chúng ta chưa đưa vào thì không biết sẽ chiếm được bao nhiêu, nhưng tổng nguồn vốn ví dụ Vành đai 3 đã là 75.000 tỷ, không hề nhỏ. Do đó, đề xuất các tỉnh, thành phố và đặc biệt là Trung ương phải hết sức quan tâm, tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phố có sự tăng thu để làm sao đáp ứng được cơ cấu nguồn vốn này.”

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng theo Luật Giao thông đường bộ và Luật Ngân sách nhà nước thì việc đầu tư 2 tuyến vành đai này là thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương, nhưng do khó khăn và hạn chế của nguồn lực của ngân sách Trung ương và do nhu cầu cần phải đầu tư sớm nên các địa phương đã tính toán sự cần thiết và cân đối, bố trí tham gia cùng với ngân sách trung ương, Bộ trưởng cũng cho rằng cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương cùng tham gia đầu tư 2 tuyến này là phù hợp.