Bộ trưởng Bộ Tài chính phản hồi đề nghị xem xét bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu

Tại kỳ điều chỉnh ngày 11/11, giá xăng tiếp tục tăng hơn 1000 đồng/lít. Trước thực trạng khan hiếm xăng dầu nhiều ngày qua xảy ra tại nhiều địa phương, thảo luận tại hội trường về Luật giá sửa đổi, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu. Đồng thời đưa ra nhiều công cụ khác để điều tiết giá mặt hàng này. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình làm rõ.

Theo dự thảo luật trình Quốc hội, Chính phủ đề xuất tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu, quy định thành một điều riêng tại dự thảo luật. Tuy nhiên trước tình trạng đứt gãy nguồn cung, khan hiếm xăng dầu xảy ra trên diện rộng hiện nay, nhiều ĐBQH đề nghị cần cân nhắc có nên duy trì quỹ này hay không?

Ông PHẠM VĂN HÒA, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: “Quỹ này không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước, nguồn hình thành tính vào giá mua (xăng, dầu) do người tiêu dùng chi trả, hiện là 300 đồng/lít, song lại do doanh nghiệp quản lý, quyết định. Người tiêu dùng không tiếp cận được thông tin về việc sử dụng quỹ nên rất bất cập, nghi ngờ có thể gian dối.”

Ông TRỊNH XUÂN AN, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: “Quỹ bình ổn giá không phải là một biện pháp để bình ổn giá, dự thảo Luật cần rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng… Đề nghị làm rõ nội dung Quỹ bình ổn giá xăng dầu là “bước đệm” để bình ổn giá xăng dầu, đồng thời đề nghị sử dụng linh hoạt nhiều công cụ khác trong bình ổn giá.”

Giải trình ý kiến của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến của Bộ Công Thương và các bộ, ngành và thống nhất giữ Quỹ bình ổn giá xăng, dầu, bởi quỹ này sẽ giúp giảm sốc từ từ. Đặc biệt khi giá xăng, dầu tăng lên thì ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.

Ông HỒ ĐỨC PHỚC, Bộ trưởng Bộ Tài chính: “Bởi vì hiện nay nhà nước ta chỉ quản lý hay nói cách khác, công cụ để điều chỉnh giá xăng, dầu: thứ nhất là, gói thuế; thứ hai là, chi phí định mức; thứ ba là, nguồn cung; thứ tư là, thông qua cấp phép để xây dựng bộ máy; thứ năm là, Quỹ bình ổn giá xăng, dầu. Càng nhiều công cụ để đảm bảo điều chỉnh và giảm sốc giá xăng, dầu phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất kinh doanh và cuộc sống của người dân là một điều rất cần thiết."

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng cho biết sẽ tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu để tiếp tục nghiên cứu, thảo luận để hoàn thiện luật và sẽ trình với Quốc hội trong Kỳ họp thứ 5.