Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu 4 ưu tiên của Ngoại giao Việt Nam 2022

Năm 2021, trong bối cảnh dịch COVID-19, ngành ngoại giao Việt Nam đã có những thay đổi linh hoạt nhằm thích ứng, vượt qua khó khăn và thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị đặt ra. Nổi bật là công tác ngoại giao vaccine đã được triển khai quyết liệt, kịp thời và hiệu quả trên cả kênh song phương và đa phương.

Đến nay, Việt Nam đã nhận được trên 151 triệu liều vaccine, đạt 100% mục tiêu đề ra, trở thành một trong 6 quốc gia có độ phủ vaccine cao nhất thế giới. Đây là kết quả có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ bảo vệ tính mạng, sức khỏe của gần 100 triệu người dân, mà còn mang ý nghĩa lớn về an ninh, quốc phòng, đối ngoại và phát triển kinh tế- xã hội.

Cũng trong năm 2021, Việt Nam cũng đã kịp thời viện trợ vật tư y tế và tài chính cho trên 50 quốc gia và tổ chức quốc tế, qua đó thể hiện rõ vai trò "thành viên có trách nhiệm" trong cộng đồng quốc tế. 

Trở thành một minh chứng rõ nét cho trường phái ngoại giao “Cây tre” như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.

Trong thời gian tới, ngành ngoại giao Việt Nam sẽ có những định hướng và nhiệm vụ trọng tâm nào để cùng thực hiện mục tiệu hồi phục và phát triển kinh tế, phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, năm 2021, một trong những thành công nổi bật trong lĩnh vực ngoại giao là chiến lược ngoại giao vaccine, góp phần vào thành công chiến dịch tiêm chủng của Việt Nam. Bộ trưởng đánh giá như thế nào việc thực hiện chiến lược này trong thời gian qua? 

Ông Bùi Thanh Sơn - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: Chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta là bảo vệ sức khỏe nhân dân là trên hết và trước hết. Bám sát chủ trương này, phát huy cao nhất trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, ngành Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp triển khai công tác ngoại giao vaccine một cách chủ động, đồng bộ, sáng tạo và hiệu quả, góp phần rất quan trọng vào thực hiện thắng lợi chiến lược vaccine. Nếu như đầu tháng 5/2021 khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, nước ta mới có vài trăm nghìn liều vaccine, thì đến hết năm 2021 Việt Nam đã trở thành một trong 6 quốc gia có độ phủ vaccine cao nhất thế giới. Đây là kết quả có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ bảo vệ tính mạng, sức khỏe của gần 100 triệu người dân nước ta, mà còn mang ý nghĩa lớn về an ninh, quốc phòng, đối ngoại và phát triển kinh tế- xã hội. Việc triển khai công tác ngoại giao vaccine trong năm vừa qua mang lại cho ngành Ngoại giao nhiều bài học quý báu. Đó là:

Thứ nhất, luôn bám sát đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Chúng ta luôn đề cao chân thành, tin cậy, chia sẻ khó khăn, tương trợ lẫn nhau trong tất cả các mối quan hệ đối ngoại song phương và đa phương. Khi bạn bè quốc tế gặp khó khăn, chúng ta đã cố gắng hết sức giúp đỡ trong khả năng của mình, và khi chúng ta gặp khó khăn, bạn bè quốc tế cũng tích cực, kịp thời hỗ trợ chúng ta.

Thứ hai, nỗ lực đổi mới, sáng tạo đi đôi với hành động quyết liệt, hiệu quả theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Chúng ta kiên định chủ trương bảo vệ sức khỏe nhân dân là trước hết và trên hết, nhưng vận dụng sáng tạo, linh hoạt chủ trương đúng đắn này trong lĩnh vực đối ngoại bằng những sách lược, biện pháp, bước đi đối ngoại phù hợp.

Thứ ba, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ các trụ cột đối ngoại, bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, ngoại giao Quốc hội, đối ngoại của các ngành, các địa phương và đối ngoại nhân dân dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý và điều hành quyết liệt, hiệu quả của Nhà nước và phát huy vai trò điều phối của Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine.

Phóng viên: Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV có nhiều đổi mới cả trong nội dung cũng như cách thức tổ chức hoạt động. Quốc hội đã tổ chức kỳ họp bất thường lần đầu tiên trong lịch sử để kịp thời xem xét các vấn đề cấp thiết trong cuộc sống. Bộ trưởng đánh giá thế nào về sự đồng hành của Quốc hội với Chính phủ trong quyết tâm thực hiện mục tiêu đẩy lùi dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế?

Ông Bùi Thanh Sơn - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: Năm 2021 là năm đầu tiên nước ta tổ chức quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có nhiều diễn biến sâu sắc, phức tạp và khó lường, nhất là sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị và Ban Bí thư, kế thừa và phát huy thành tựu của Quốc hội các nhiệm kỳ trước, Quốc hội khóa XV đã cùng với Chính phủ và cử tri, nhân dân cả nước nỗ lực phấn đấu, hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Thứ nhất, Quốc hội đã thực hiện tốt việc thể chế hóa nhiều định hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất là đã thể chế hóa một số định hướng thực hiện các đột phá chiến lược gồm đột phá về cải cách thể chế, phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực. Tinh thần đồng hành cùng Chính phủ đã thể hiện rõ ở việc Quốc hội tập trung tháo gỡ các vấn đề về thể chế, chính sách và pháp luật, tạo cơ sở và khuôn khổ cho Chính phủ xây dựng các chiến lược, kế hoạch, đề án cụ thể trong quản lý và điều hành kinh tế- xã hội.

Thứ hai, Quốc hội trên tinh thần dân chủ, trách nhiệm và tâm huyết đã thông qua các chủ trương, quyết sách chưa từng có tiền lệ như Nghị quyết số 30 về trao quyền cho Chính phủ chủ động, điều hành trong một số vấn đề cấp bách về phòng, chống dịch Covid-19, qua đó giúp tháo gỡ nhiều “nút thắt”, góp phần quan trọng vào kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. 

Hay như tại kỳ họp bất thường vừa qua, Quốc hội đã nhất trí rất cao thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật trong lĩnh vực đầu tư, nhà ở, đấu thầu, điện lực, thuế, v.v… Đây đều là những vấn đề cấp thiết đối với phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội trong bối cảnh thích ứng an toàn với dịch Covid-19 được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm, đồng tình và ủng hộ.

Thứ ba, các hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với đối ngoại Đảng, ngoại giao Chính phủ, đối ngoại nhân dân, đóng góp quan trọng vào thành tựu đối ngoại và hội nhập quốc tế của đất nước. Trong năm 2021, ngoại giao của Quốc hội được triển khai sáng tạo, hiệu quả, thực chất, đa phương hóa, đa dạng hóa. Hay như Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Ấn Độ, Hàn Quốc và tham dự Diễn đàn nghị viện APPF-29 đã đạt được nhiều cam kết, thỏa thuận hợp tác, trên cơ sở đó Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai, góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam và các đối tác đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả.

Phóng viên: Trong thời gian tới, Bộ ngoại giao sẽ có những định hướng và nhiệm vụ trọng tâm nào, nhất là để phục vụ chiến lược phục hồi và phát triển kinh tế đất nước?  

Ông Bùi Thanh Sơn - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: Với phương châm chủ động, sáng tạo, quyết liệt và phối hợp-hiệp đồng, công tác ngoại giao kinh tế trong năm 2022 sẽ tập trung vào các định hướng, nhiệm vụ trọng tâm sau đây: 

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả ngoại giao y tế, ngoại giao vaccine phù hợp với diễn biến dịch bệnh và yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 ở trong nước, đóng góp tích cực vào thực hiện chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19.

Thứ hai, triển khai quyết liệt Chương trình hành động của ngành Ngoại giao về thực hiện Nghị quyết 01 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ. Đẩy mạnh hơn nữa nghiên cứu, theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới và khu vực để góp phần tham mưu cho Chính phủ trong điều hành kinh tế- xã hội; đồng thời, nỗ lực thúc đẩy hợp tác trong một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm như du lịch, các ngành, hàng xuất khẩu chủ lực, thu hút đầu tư FDI, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…

Thứ ba, triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, đặc biệt là đối ngoại cấp cao, nhằm tạo xung lực cho mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác quan trọng, nhất là quan hệ kinh tế, tranh thủ tối đa cơ hội từ các xu thế lớn trong kinh tế thế giới để góp phần tạo động lực cho nền kinh tế phục hồi, củng cố nền tảng để vươn lên trong những năm tới như đầu tư bền vững, tăng trưởng xanh, năng lượng tái tạo, nông nghiệp thông minh, chuyển đổi số… 

Thứ tư, đẩy mạnh hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng theo đúng chủ trương Đại hội XIII của Đảng đã đề ra là “xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”.

Trong triển khai các nhiệm vụ nói trên, ngành Ngoại giao mong nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp để góp phần vào thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2022 mà Quốc hội và Chính phủ đã thông qua.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của Bộ trưởng. Xin chúc Bộ trưởng năm mới mạnh khỏe và ngành Ngoại giao một năm mới nhiều thành công!

Cao Hoàng