Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Lần này Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ không quên

"Lần này Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Bộ Công thương sẽ không quên, sẽ có những giải pháp đồng bộ, phân kỳ, có phân trách nhiệm rõ ràng” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định trước Quốc hội hôm 16/3 về quyết tâm để sản xuất nông nghiệp tránh bẫy manh mún, nhỏ lẻ.

Làm thế nào để quản lý đối với việc bán hàng trên mạng, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật là nội dung được nhiều Đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương. Ngoài ra, cần nâng cao năng lực doanh nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chẩn của các thị trường xuất khẩu. thúc đẩy nhanh và mạnh chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu hàng hóa chính ngạch.

Những năm gần đây, tình trạng ùn ứ nông sản tại cửa khẩu phía Bắc đã thành câu chuyện đến hẹn lại lên, lặp đi lặp lại một vòng luẩn quẩn, khiến cho đời sống và sản xuất của nông dân cả nước đã vất vả còn thêm bất an. Vậy làm thế nào để giải quyết được căn cơ việc bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa, nhất là mặt hàng nông sản là vấn đề được nhiều đại biểu chất vấn.

Bà SIU HƯƠNG - Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai: “Xuất khẩu nông sản ùn ứ tại các cửa khẩu trong nước qua đợt dịch cho thấy sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng hàng hóa và tiêu thụ hàng hóa nội địa. Như vậy, với vai trò quản lý ngành, xin Bộ trưởng cho biết giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Đây là vấn đề lưu thông, xét trong toàn bộ quy trình sản xuất cho thấy thị trường tiêu thụ nông sản chưa ổn định và cần hoàn thiện hơn phương án sản xuất”.

Ông NGUYỄN HỒNG DIÊN - Bộ trưởng Bộ Công thương: : "Không dưới 3 lần Bộ Công Thương trong thời gian 2 năm qua kiến nghị đối với Bộ Nông nghiệp và các địa phương cần phải có phương án quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi, phải bám sát tín hiệu của thị trường…. người sản xuất ngay từ lúc bắt đầu sản xuất phải trả lời được 3 câu hỏi, đó là sản xuất gì, bán ở đâu, cho ai. Nếu cứ cách làm cũ, tức là có gì làm nấy, có gì bán nấy thì thật sự chúng ta bị động. Cho nên, chúng tôi một lần nữa khuyến cáo đối với các địa phương và đề nghị ngành chức năng nghiên cứu để tham mưu có những chỉ đạo để quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi, phải bám sát nhu cầu của thị trường, xây dựng kế hoạch, đề án sản xuất theo yêu cầu của từng thị trường."

Vẫn biết xuất khẩu nông sản không thể theo đường mòn lối mở mãi, giải pháp căn cơ, lâu dài vẫn phải là xuất khẩu theo con đường chính ngạch. Do vậy Bộ Công thương cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với trách nhiệm của mình cần phải thúc đẩy nhanh hơn nữa để kết thúc những câu chuyện buồn về xuất khẩu nông sản trong suốt giai đoạn qua.

Bà TRẦN THỊ THANH HƯƠNG - Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: “Việc chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch cần có lộ trình và giải pháp căn cơ, xin Bộ trưởng cho biết lộ trình này đã được Bộ triển khai như thế nào? Theo Bộ trưởng, sự phối hợp giữa Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời gian qua đã thực sự căn cơ và hiệu quả chưa?”

Ông NGUYỄN HỒNG DIÊN - Bộ trưởng Bộ Công thương: “Bộ được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao nhiệm vụ xây dựng đề án xuất hàng qua biên giới theo hướng chính ngạch, chúng tôi xây dựng và trình rồi, chiến lược xuất, nhập khẩu đến năm 2030 tầm nhìn 2045 chúng tôi cũng trình rồi. Chúng ta hi vọng trong những ngày tới cấp có thẩm quyền phê duyệt thì chúng ta triển khai. Khi triển khai tôi cũng nói không chỉ Bộ Công thương, các bộ liên quan và các địa phương cùng phải nỗ lực để Đề án thành hiện thực. Có như vậy thì những câu chuyện ta không nói mãi được, không cần phải nói mãi mà vẫn được giải quyết”.

Ông LÊ MINH HOAN - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Chuyển từ tư duy xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch là cả một hành trình thay đổi nhận thức, thay đổi tư duy của hiệp hội ngành hàng, của doanh nghiệp và của người nông dân mà trực tiếp là chính quyền địa phương phải vào cuộc. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ là người cung cấp những chiến lược chung, những quy hoạch, định hướng và tuyên truyền những chuẩn mực của thị trường, còn để thực hiện được hay không là sự sát sao của địa phương. Tôi mong muốn rằng thông qua phiên điều trần này các đại biểu Quốc hội ở các đoàn đại biểu Quốc hội 63 tỉnh, thành các vị có thể giúp cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như Bộ Công Thương sát sao để chúng ta nhìn ra những cái bẫy và rủi ro từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún như thế. Lần này Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Bộ Công thương sẽ không quên, sẽ có những giải pháp đồng bộ, phân kỳ, có phân trách nhiệm rõ ràng”.

Hiện Việt nam đã là thành viên của rất nhiều Hiệp định thương mại tự do, do đó để nâng cao được năng lực xuất khẩu hàng hóa, tận dụng được cơ hội với đúng nghĩa khi chúng ta hội nhập kinh tế thế giới thì sản phẩm của chúng ta phải đáp ứng được tiêu chuẩn của các thị trường; năng lực của doanh nghiệp Việt cần phải được nâng cao để đủ sức tham gia vào chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu. Đây cũng là giải pháp mà Bộ trường ngành Công thương đã nhấn mạnh./.