Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói về giảm giá xăng dầu: Xử lý tình huống, cứu nền kinh tế

Giá xăng dầu liên tục tăng trên thế giới và trong nước thời gian qua đang là vấn đề được dư luận quan tâm. Làm gì để phát huy vai trò quản lý Nhà nước, hạn chế được những tác động tiêu cực tới nền kinh tế thị trường là câu hỏi được nhiều đại biểu đặt ra tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương cùng với Bộ Tài chính đã thực hiện đúng các Nghị định của Chính phủ, bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới để điều hành linh hoạt và đưa ra mức hỗ trợ từ 500 - 1.500 đồng/lít xăng dầu; Do vậy, dù tăng nhưng giá đã được điều hành ở mức thấp hơn nhiều so với mức tăng của thị trường thế giới. Tuy nhiên, một số ý kiến đặt vấn đề nguyên nhân gây bất ổn về giá xăng dầu có liên quan đến dự trữ Quốc gia về xăng dầu hay không? 

Ông TRẦN VĂN TIẾN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc: “Theo báo cáo, Việt Nam không có dự trữ quốc gia về xăng dầu. Đây có phải là nguyên nhân chính gây nên bất ổn về giá xăng dầu như hiện nay hay không? Trong thời gian tới, Bộ có đề xuất với Chính phủ về vấn đề này không?”

Ông NGUYỄN HỒNG DIÊN  - Bộ trưởng Bộ Công thương: “Chúng ta có dự trữ nhưng lượng dự trữ của chúng ta rất ít, chỉ đáp ứng được nhu cầu trong khoảng 5-7 ngày. Nhưng quỹ này chỉ được sử dụng trong những tình huống đặc biệt, không phải là tung ra trong những hoàn cảnh như hiện nay. Trong tương lai, như tôi đã báo cáo, chúng tôi cùng với các bộ, ngành có liên quan sẽ nghiên cứu, tham mưu để nâng mức dự trữ này lên, như đã nói là phải đáp ứng được ít nhất là 1-2 tháng. Thay vì chúng ta dự trữ bằng tiền thì dự trữ bằng hàng. Còn cách tổ chức như thế nào thì chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu”.

Liên quan đến việc mức chiết khấu 0%, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, kể cả từ doanh nghiệp đầu mối cho đến thương nhân phân phối đều bị lỗ, Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng trong quá trình điều hành, Bộ vẫn yêu cầu tuân thủ quy định 83 và 95. 

Ông NGUYỄN HỒNG DIÊN - Bộ trưởng Bộ Công thương: "Chúng tôi cũng tiếp thu ý kiến đại biểu Sinh là yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối phải tuân thủ quy định, phải có tỷ lệ chiết khấu hợp lý. Nếu đã có chiết khấu hợp lý thì điều hành giá cơ sở sẽ phải tăng, bởi vì nó không tăng ở cái này thì nó phải tăng ở cái khác. Nếu anh muốn chiết khấu cho người tham gia kinh doanh, nhất là cửa hàng bán lẻ thì phải tính vào giá chứ bây giờ lấy ai ra để bù vào đây? Đây là một thực tế."

Liên quan đến giải pháp điều tiết giá xăng dầu ngoại trừ quỹ bình ổn giá, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết sẽ sử dụng các công cụ khác để kìm giá xăng như thuế, phí hoặc các quỹ an sinh xã hội. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng cần thiết phải tính toán kỹ sử dụng sắc thuế nào?

Bà VŨ THỊ LƯU MAI - Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội: “Xét về kinh nghiệm quốc tế, hiện nay đối với các quốc gia sử dụng công cụ thuế để điều tiết, bình ổn giá cả đều lựa chọn các sắc thuế khác, như thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu. Như đối với Canada, Anh và Bồ Đào Nha hiện nay đang lựa chọn giảm thuế VAT và đối với Ấn Độ, Thái Lan thì giảm thuế tiêu thụ đặc biệt. Vì vậy, tôi nghĩ rằng việc dùng công cụ thuế để điều tiết giá cả cho một số trường hợp là cần thiết. Tuy nhiên, lựa chọn sắc thuế nào thì tôi cũng kính mong Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính để đưa ra một giải pháp hợp lý”.

Ông NGUYỄN HỒNG DIÊN - Bộ trưởng Bộ Công thương: “Tình hình rất căng. Để xử lý được tình huống bây giờ, nhanh nhất chỉ có thể là thuế môi trường. Đây là thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thứ hai, thuế môi trường mà chúng ta định ra 4.000, thú thực, tôi nghĩ chưa có cơ sở thật sự là khoa học để bảo rằng phải là 4.000 chứ không phải 5.000, không phải 3.000, 2.000. Cho nên trong lúc khó này ta bảo nhau giải quyết thế nào thì giải quyết nhưng có cơ chế để giảm giá, để cứu được kinh tế, hỗ trợ được người dân là tốt rồi”.

Làm rõ thêm về vấn đề xăng dầu tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ quan điểm quản lý giá xăng dầu theo cơ chế thị trường nhưng có sự kiểm soát, điều tiết của Nhà nước để bảo đảm ổn định vĩ mô, không để mặt hàng xăng dầu ảnh hưởng tới sản xuất, an sinh xã hội.

Ông LÊ VĂN THÀNH - Phó Thủ tướng Chính phủ: Với tinh thần như vậy, Chính phủ cũng thực hiện một loạt giải pháp như sử dụng Quỹ bình ổn giá.Thứ hai là giảm phí và đã có nghị quyết báo cáo cấp thẩm quyền để rà soát, giảm thuế cho phù hợp. Có thể trong trường hợp còn tiếp tục tăng thì chúng ta có các cơ chế, chính sách hỗ trợ vào các đối tượng để bảo đảm sao cho sản xuất ổn định, giá thành ổn định”.

Về giải pháp dài hạn, Phó Thủ tướng cho biết đã có cuộc làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), với tinh thần dứt khoát phải làm chủ mặt hàng xăng dầu và sản xuất trong nước./.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam