• 2644 lượt xem
  • 05:15 08/03/2022
  • COVID-19

Bộ Y tế đề xuất F0, F1 đi làm, Công đoàn nói người lao động có quyền từ chối

"F0 đi làm cần được xem xét về mặt khoa học, về mặt quyền lợi và sự đồng thuận, tự nguyện của người lao động trước khi đưa ra chính sách có tác động đến sức khỏe, việc làm của người lao động" - là ý kiến từ đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trước đề xuất F0 đi làm.

Liên quan đến thông tin Bộ Y tế có ý kiến đề xuất xem xét về việc cho người nhiễm SARS-CoV-2 F0 và trường hợp tiếp xúc gần F1 được đi làm trong thời gian cách ly, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có trao đổi với bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Nêu rõ đây là vấn đề liên quan đến sức khỏe của người lao động và là vấn đề quan trọng, bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó Ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, các đề xuất phải dựa trên cơ sở khoa học, các bằng chứng về việc F0 đi làm thì không ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động. Hai là, khi F0 đi làm thì họ vẫn là những bệnh nhân. Vì vậy, điều kiện làm việc trong môi trường lao động phải đảm bảo an toàn vệ sinh lao động để người lao động có thể an tâm công tác.

Nhấn mạnh về quyền lợi của người lao động, bà Hồ Thị Kim Ngân nêu rõ người lao động là F0 tức là đang trong trạng thái ốm đau. Tại nhiều nước nếu F0 nhiễm từ môi trường làm việc còn được coi là tai nạn lao động. Khi người lao động có đủ điều kiện để đi làm thì phải tính đến các quyền lợi về bảo hiểm, cũng như có phần động viên khuyến khích để người lao động thấy thỏa đáng và thấy được rằng mình vừa được chăm lo về tiền lương vừa được quan tâm về sức khỏe. Trong trường hợp không có cơ chế nhưng lại bắt đi làm như lao động bình thường tức hưởng bảo hiểm thì thôi hưởng lương và hưởng lương thì thôi hưởng bảo hiểm, thì người lao động sẽ không chọn đi làm.

 Bà Hồ Thị Kim Ngân cho rằng việc làm việc của người lao động phát xuất phát trên cơ sở tự nguyện, đồng thuận của người lao động. Bởi mỗi người có cơ chế đối với bệnh là khác nhau, có những người chỉ có biểu hiện nhẹ nhưng cũng có những người có tác động ảnh hưởng. Khi đó người lao động có quyền được từ chối nếu công việc ảnh hưởng đến sức khỏe. Không thể từ một quy định mà bắt buộc phải đi làm và doanh nghiệp không thể lấy đây làm căn cứ để đánh giá người lao động không chuyên cần, trừ các khoản lương hay thưởng hay các điều kiện phúc lợi khác. 

Bà Hồ Thị Kim Ngân nêu rõ, trước khi đưa ra chính sách tác động đến sức khỏe và việc làm của người lao động, cần xem xét trên các yếu tố về cơ sở khoa học, quyền lợi và sự đồng thuận, tự nguyện của người lao động.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam