• 1974 lượt xem
  • 21:17 31/08/2022
  • Xã hội

“Cả 3 chân kiềng của ngành y tế TPHCM đều tan nát”

Trong một năm rưỡi qua, có hơn 2.000 nhân viên y tế của TPHCM đã nghỉ việc. Người mới tuyển về chưa đủ kinh nghiệm để đảm đương công việc như người cũ, đặc biệt là lực lượng điều dưỡng. Tại buổi giám sát mới đây của Uỷ ban xã hội của Quốc hội tại Sở Y tế TPHCM, người đứng đầu ngành y tế cũng đã thẳng thắn thừa nhận khó khăn lớn nhất lúc này của ngành là biến động nguồn nhân lực.

Phóng viên PHƯƠNG THẢO: "Khoa Thận nhân tạo, bệnh viện Lê Văn Thịnh TP.HCM hiện có khoảng 200 bệnh nhân. Hơn 30 máy lọc máu. Thế nhưng, số lượng điều dưỡng chỉ có 10. Lượng nhân lực như vậy khiến mỗi điều dưỡng phải làm đến 3 ca/ ngày."

Điều dưỡng MAI THỊ HÀ, Khoa Thận nhân tạo - Nội tiết, bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP Hồ Chí Minh: "Thường ngày thì làm 8 tiếng, nhưng bây giờ thiếu điều dưỡng thì phải làm gấp đôi. Hết ca này sang ca sau phải là thêm nữa. Áp lực cả công việc lẫn gia đình, con cái không ai rước dùm, cũng vất vả và khó khăn."

Nhiều tháng qua, bệnh viện liên tục tuyển dụng nhân sự. Thế nhưng, công tác tuyển dụng gặp không ít khó khăn.

Bác sĩ CKII TRẦN VĂN KHANH, Giám đốc bệnh viện Lê Văn Thịnh, TPHCM: "Tỉ lệ điều dưỡng trên bác sĩ là khoảng 2,45. Đối với bệnh viện Lê Văn Thịnh thì mức đó là vẫn còn thiếu. Cũng còn trở ngại là do thu nhập của bác sĩ và điều dưỡng nói chung cũng chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của một nhân viên nên khi tuyển cũng còn khó khăn."

Trong buổi giám sát của Uỷ ban xã hội của Quốc hội mới đây tại Sở Y tế TPHCM, giám đốc Sở Y tế TP cho biết, nếu trước đây, TP chỉ gặp khó đối với nhân sự ở tuyến y tế cơ sở, thì đến nay, khó khăn lan rộng đến hầu khắp các bệnh viện. Đặc biệt, các bệnh viện tại TP hiện đều than khó tuyển điều dưỡng.

Ông TĂNG CHÍ THƯỢNG, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh: "Tiêu chuẩn ở bệnh viện hạng 1, mỗi bác sĩ phải có 3 điều dưỡng thì hiện giờ không thể đạt, tỷ lệ này chỉ ở mức 1,5 đến 2 điều dưỡng/1 bác sĩ. Cho thấy lực lượng điều dưỡng là lực lượng đáng quan tâm bởi vì họ thu nhập chính là đồng lương. Bác sĩ họ còn làm thêm được. Rất mong sắp tới Quốc hội có chính sách nào để giữ chân lực lượng lao động lớn nhất của ngành y tế là điều dưỡng."

Bà PHẠM KHÁNH PHONG LAN, ĐBQH khoá XV, Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh: "Tôi nói thật một điều chúng tôi rất buồn ở chỗ là cả 3 chân kiềng của ngành y tế, từ dự phòng, điều trị cho tới cung ứng. Tất cả đều đang trong tình trạng tan nát. Mà bây giờ nếu không có những thay đổi từ cách nhìn, cơ chế, chủ trương thì chúng ta sẽ không thể kiềm hãm được sự tan nát này, nói thẳng là như vậy."

Có thể thấy, ngành y tế TPHCM hiện nay đang khó khăn chồng khó khăn. Thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế gặp trở ngại trong đấu thầu. Trong khi đó, nhân sự từ sau đại dịch thì cứ dần rời khỏi y tế công lập. Hơn lúc nào hết, ngành y tế rất cần có những chính sách kịp thời để vượt qua giai đoạn khủng hoảng này.

Phương Thảo