Cà Mau: Mong manh cơ hội tái sinh rừng phòng hộ ven biển do người dân tự ý bao chiếm để nuôi sò huyết

Trong khi tỉnh Cà Mau đang tập trung huy động nguồn lực đầu tư hệ thống đê kè chắn sóng ứng phó với sạt lở để gây bồi tạo bãi, khôi phục rừng phòng hộ ven biển, thì hiện diễn ra tình trạng một số người dân ở thị trấn Sông Đốc tự ý bao chiếm khu vực bãi bồi thuộc rừng phòng hộ đang tái sinh để nuôi sò huyết.

Đây là khu vực nuôi sò huyết tại khu vực rừng phòng hộ biển Tây thuộc thị trấn Sông Đốc. Khu vực bao chiếm kéo dài từ cửa biển Sông Đốc đến đầu kênh Quản Thép. Theo người dân, việc nuôi sò đã kéo dài từ nhiều tháng qua.

Việc nuôi sò không chỉ gây cản trở lưu thông các phương tiện đánh bắt mà còn chiếm luôn khu vực bãi bồi - nơi kiếm sống của người dân ven biển. Qua kiểm tra, diện tích nuôi sò khoảng 30 héc ta thuộc quản lý của Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ đê biển Tây.

Trung bình mỗi năm Cà Mau mất từ 300 đến 400 héc ta rừng phòng hộ ven biển vì sạt lở. Việc đầu tư hệ thống kè chắn sóng gây bồi tạo bãi là cứu cánh duy nhất để khôi phục rừng phòng hộ hiện nay. Do đó, việc bao chiếm bãi bồi để nuôi sò huyết sẽ khiến cho việc tái sinh rừng phòng hộ của tỉnh càng trở nên mong manh hơn.

Công Tràng