Cả nước còn 800.000 tấn bom mìn, vật liệu chưa nổ

Sáng 17/02 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam dự, chỉ đạo Hội nghị sơ kết thực hiện Chương trình 504- Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2010-2020 và định hướng nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025.

Trong giai đoạn 2010-2020, toàn quốc đã triển khai khảo sát và rà phá bom mìn vật liệu nổ được 485.000 ha,  diện tích ô nhiễm bom mìn đã giảm xuống còn 5,6 triệu ha đất đai, tương đương 17,71% diện tích; hỗ trợ hơn 5.000 nạn nhân và các đối tượng liên quan; tổ chức giáo dục nguy cơ cho hơn 3 triệu người dân và học sinh. Chương trình đã huy động gần 13 nghìn tỷ đồng, trong đó huy động từ nước ngoài gần 100 triệu USD. 

Tuy nhiên, ước tính hiện vẫn còn 800 nghìn tấn bom mìn, vật liệu chưa nổ nằm rải rảc ở 63 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung nhiều nhất tại các tỉnh miền Trung, Tây nguyên và Đông Nam Bộ; hiện có trên 7 triệu người khuyết tật, trong đó có hàng triệu người là nạn nhân bom mìn và bị chất độc hóa học, phơi nhiễm dioxine. Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót đã làm hơn 40.000 người chết, 60.000 người bị thương.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiệt liệt biểu dương những kết quả trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh trong thời gian qua; bày tỏ sự cảm ơn chân thành với Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế đã đồng hành với Việt Nam; đồng thời gửi lời thăm hỏi, chia sẻ sâu sắc tới các địa phương, gia đình chịu hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Thủ tướng nhấn mạnh, chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả để lại vẫn còn nặng nề. Diện tích “ô nhiễm” do bom mìn còn rất lớn, trong khi đó nguồn lực lại hạn hẹp, công việc nhiều, thời gian thực hiện phải nhanh. Vì vậy phải tập trung giải quyết những mâu thuẫn này. Thủ tướng lưu ý, công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh phải là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên trong giai đoạn hiện nay; tiếp tục rà soát hoàn thiện hệ thống chính sách, hành lang pháp lý về vấn đề này, trước hết là xây dựng Pháp lệnh trình UBTVQH xem xét. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực; Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân; đẩy mạnh nghiên cứu, làm chủ công nghệ, phương thức quản lý; khẩn trương sơ kết, tổng kết thực tiễn Việt Nam và bài học kinh nghiệm quốc tế. Thủ tướng cũng đề nghị Ban chỉ đạo cần xây dựng các chính sách, dự án, đề án cụ thể để triển khai thực hiện trong thời gian tới./.

Khắc Phục