Cá thể hoá trách nhiệm để nâng cao chất lượng công tác dân nguyện

Sáng 15/02, cho ý kiến về Báo cáo công tác dân nguyện tháng 01/2022 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận Báo cáo đã tổng hợp tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị về những vấn đề nổi cộm được đông đảo cử tri và Nhân dân quan tâm; đã nêu lên tình hình tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo của công dân, kết quả tiếp nhận, xử lý đơn thư của công dân.

Qua thảo luận, các ý kiến đã nêu lên một số vụ việc nổi lên được dư luận, cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm, đòi hỏi các cơ quan của Quốc hội cần chủ động trong lĩnh vực phụ trách, cũng như cần có sự giám sát để đảm bảo xử lý cho đúng.

Ông Ngô Sách Thực - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam: “Kỳ họp bất thường rất tốt, nội dung chỉ đạo rất sâu sát nhưng đề xuất tiếp tục giám sát nội dung chỉ đạo vì có nội dung còn chậm tổ chức thực hiện như: lao động trở lại việc làm nhiều nơi chưa được, cần có giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quan tâm đến giải pháp an toàn cho học sinh đi học, khởi động lại du lịch, biện pháp đồng tình nhưng cách thức biện pháp thì trong quá trình chỉ đạo điều hành bổ sung biện pháp. Đặc biệt trong phòng chống dịch các giải pháp Trong bổ sung phòng chống dịch, trong chương trình phối hợp chung có giám sát này, làm sao đến được các đối tượng.”

Đối với một số tồn tại hạn chế được được nêu tại báo cáo, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng để nâng cao chất lượng công tác dân nguyện, thì trong những tháng tới Ban Dân nguyện cần đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số vụ việc phức tạp, kéo dài đã lâu chưa được giải quyết. Cùng với đó, cần tập trung theo dõi đánh giá việc giải quyết và trả lời của các cơ quan có thẩm quyền.

Bà Nguyễn Thị Thanh - Trưởng ban Công tác đại biểu: “Gần 100% hoặc 80% trả lời nhưng trả lời đó đã được người khiếu nại tố cái chấp thuận chưa hay vẫn tái phản ánh lại. tôi đề nghị lần sau cần bo sung thêm chất lượng trả lời và đáp ứng yêu cầu của người khiếu nại tố cáo phản ánh cử tri là giải quyết được bao nhiêu, ở câu chuyện là trách nhiệm. Chúng ta tiến dần lên như vậy tránh câu chuyện hàng tháng nghe mà không có gì mới, dần bình thường và hiệu quả không cao.”

Trên cơ sở các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ và số vụ việc qua Báo cáo rà soát của Bộ Công an, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ban Dân nguyện phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an cùng cơ quan liên quan lập danh mục hồ sơ đề xuất những vụ việc phức tạp kéo dài để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội theo dõi chỉ đạo, đôn đốc giải quyết dứt điểm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: “Mỗi năm phải giải quyết bao nhiêu, đến thời điểm nào phải giải quyết dứt điểm, giải quyết cơ bản cái cũ, không thể để lâu thì không thể giải quyết được, các vụ đó cả Trung ương và địa phương chia theo lĩnh vực, có thống kê , kiểm đếm, mô tả vụ việc, có lĩnh vực, có thống kê kiểm đếm mô tả, lập hồ sơ. Từng lịch vực sẽ quy trách nhiệm rõ ràng cho tập thể và cá nhân, như vậy công tác dân nguyện mới rõ ràng và có hiệu quả thực tế. Các cơ quan được phân công cần bám sát để thực hiện, tránh “đánh trống bỏ dùi”.”

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Ban Dân nguyện tiếp thu, bổ sung các vấn đề theo ý kiến của Lãnh đạo Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội, xem xét, đánh giá kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến các vụ việc. Cùng với đó, rà soát các vụ việc để tránh trùng lắp, lập danh mục hồ sơ vụ việc thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội theo dõi đôn đốc xử lý và hàng tháng đánh giá cụ thể. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng lưu ý, các Đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện nghiêm kế hoạch giám sát chuyên đề và triển khai các hoạt động giám sát tại địa phương theo đúng kế hoạch. Văn phòng Chính phủ căn cứ báo cáo công tác dân nguyện, kịp thời đề nghị đối với những Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu triển khai thực hiện các kiến nghị nêu trong báo cáo dân nguyện. Đồng thời đôn đốc các cơ quan có văn bản trả lời giải quyết kiến nghị cử tri và gửi về Ban Dân nguyện để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp tới.

Hoàng Hương