Các doanh nghiệp “loay hoay” kiểm kê phát thải

Theo lộ trình thực hiện báo cáo kiểm kê khí nhà kính nhằm xây dựng và vận hành thị trường carbon, gần 1.200 cơ sở thuộc 6 lĩnh vực gồm năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng, các quá trình công nghiệp, nông - lâm nghiệp và sử dụng đất, chất thải sẽ phải cung cấp số liệu hoạt động, thông tin liên quan phục vụ kiểm kê khí nhà kính năm 2022 vào trước ngày 31/03/2023.

Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về biến đổi khí hậu, nên hiện các doanh nghiệp dường như vẫn đang loay hoay.

Là công ty nhiệt điện, sản xuất điện bằng than đá, nên kiểm kê phát thải, xây dựng kế hoạch giảm phát thải là những yêu cầu bắt buộc công ty này sẽ thực hiện theo Nghị định 01-06/2022 của Chính phủ và quy định của Luật Bảo vệ Môi trường 2020. Từ khi có quy định mới này, họ đã tìm hiểu và đã có kế hoạch triển khai, tuy nhiên vẫn thấy mông lung và mong muốn sớm nhận được những hướng dẫn cụ thể hơn.

Ngoài cơ sở pháp lý, nguồn lực cho các hoạt động và năng lực về chuyên môn về lĩnh vực này cũng là một trong những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp, đặc biêt là những doanh nghiệp trong nước. Bởi họ chưa quen với việc thu thập, xử lý số liệu, tính toán kiểm kê khí nhà kính tại cơ sở.

Việt Nam đang nỗ lực xây dựng thị trường carbon nhằm giảm thiểu lượng phát thải. Nếu việc kiểm kê phát thải không được triển khai theo đúng thời gian quy định, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch có thị trường carbon trong nước hoàn chỉnh vào năm 2028.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, các doanh nghiệp thuộc 6 lĩnh vực gồm năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng, các quá trình công nghiệp, nông - lâm nghiệp và sử dụng đất, chất thải sẽ phải cung cấp số liệu hoạt động, thông tin liên quan phục vụ kiểm kê khí nhà kính năm 2022 vào đầu năm 2023. Công việc này tiếp tục được thực hiện hằng năm. Từ năm 2024 trở đi, doanh nghiệp sẽ tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở, xây dựng báo cáo kiểm kê KNK cấp cơ sở định kỳ 2 năm một lần, gửi UBND cấp tỉnh để thẩm định để gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Nhật Huy