Điểm báo quốc tế: Cấm vận dầu khí của Nga, cú hích cho năng lượng xanh?

Các lệnh trừng phạt Nga ảnh hưởng tới trạm ISS; Pakistan yêu cầu điều tra về sự cố tên lửa Ấn Độ; Singapore tìm kiếm nhân lực nước ngoài với siêu kỹ năng; Ngành du lịch toàn cầu thiếu vắng khách Trung Quốc... là những tin tức đáng chú ý trên các báo quốc tế ra ngày 13/3.

CÁC LỆNH TRỪNG PHẠT NGA ẢNH HƯỞNG TỚI TRẠM ISS

Một thông tin đáng chú ý trên Straits Times: Trạm vũ trụ quốc tế ISS có thể phải ngừng hoạt động vì các lệnh trừng phạt mà Phương Tây nhằm vào Nga.

Straits Times dẫn lời Tiến sĩ Dmitry Rogozin - người đứng đầu cơ quan vũ trụ Nga. Theo đó, các lệnh cấm vận có thể làm gián đoạn hoạt động của các tàu vũ trụ Nga phục vụ ISS. Bộ phận của Nga có chức năng giúp trạm theo đúng quỹ đạo, nếu bị ảnh hưởng, sẽ làm "cấu trúc nặng 500 tấn rơi xuống biển hoặc lên đất liền". Trước tình hình trên, vào đầu tháng này, NASA cho biết đang cố gắng tìm giải pháp để giữ ISS hoạt động trên quỹ đạo mà không cần sự trợ giúp của Nga.

PAKISTAN YÊU CẦU ĐIỀU TRA VỀ SỰ CỐ TÊN LỬA ẤN ĐỘ

Liên quan đến việc Ấn Độ vô tình bắn một tên lửa vào Pakistan do “sai sót kỹ thuật” trong quá trình bảo dưỡng định kỳ, Bộ Ngoại giao Pakistan đã ra thông báo yêu cầu nước láng giềng Ấn Độ phối hợp mở cuộc điều tra chung để "xác định chính xác sự thật" xung quanh vụ việc này. 

The Hindu dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Pakistan nhấn mạnh, sự việc cho thấy rất nhiều "sơ hở và sai sót kỹ thuật" có tính chất nghiêm trọng trong việc "Ấn Độ xử lý các vũ khí chiến lược". Islamabad cho rằng: “Quyết định của Ấn Độ tổ chức một tòa án điều tra nội bộ là không đủ”, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện vai trò thúc đẩy ổn định chiến lược trong khu vực. 

SINGAPORE TÌM KIẾM NHÂN LỰC NƯỚC NGOÀI VỚI SIÊU KỸ NĂNG

Tờ Bankok Post đưa tin, trong nỗ lực thúc đẩy thị trường việc làm trình độ cao, đồng thời định vị Singapore trở thành một thành phố toàn cầu, chính phủ Singapore đang hướng đến việc thu hút các lao động nước ngoài có trình độ cao. 

Theo Bangkok Post, cách làm của Singapore là thông qua hệ thống cấp thị thực dựa trên cơ sở chấm điểm mới. Theo đó, nhân lực nước ngoài với các siêu kỹ năng và được chi trả với mức lương cao, sẽ được chấm điểm dựa trên nhiều yếu tố, như giáo dục, kỹ năng và quốc tịch. Hệ thống tính điểm sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 9 năm sau. Bài báo dẫn lời Bộ trưởng Nhân lực Singapore cho biết, hệ thống chấm điểm mới này đã nhận được sự hoan nghênh từ các doanh nghiệp, bởi nó mang lại sự minh bạch hơn cho quá trình tuyển dụng, đặc biệt là đối với lao động người nước ngoài. 

NGÀNH DU LỊCH TOÀN CẦU THIẾU VẮNG KHÁCH TRUNG QUỐC

Trung Quốc đang duy trì chiến lược "không Covid" với các biện pháp hạn chế gắt gao. Điều này đồng nghĩa với việc khách Trung Quốc vẫn vắng bóng trong khi du lịch toàn cầu mở cửa trở lại.  

Theo một bài viết trên trang mạng The Sydney Morning Herald, người Trung Quốc vẫn ngại đi du lịch nước ngoài vì họ sẽ phải cách ly nhiều tuần tại khách sạn sau khi trở về và cũng không có nhiều lựa chọn chuyến bay. Với các điểm đến du lịch nổi tiếng thế giới, đây là vấn đề lớn. Bởi trước dịch, khách Trung Quốc chi tiêu tới gần 380 tỉ USD ở nước ngoài, chiếm gần 1/5 tổng chi tiêu du lịch quốc tế. Dự báo Trung Quốc có thể tiếp tục duy trì các biện pháp hạn chế cho đến năm 2023, và cho đến lúc đấy, một số quốc gia đang tìm cách thu hút các nguồn khách khác để bù đắp cho sự thiếu vắng khách Trung Quốc.

CẤM VẬN DẦU KHÍ CỦA NGA: CÚ HÍCH CHO PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG XANH?

Tạp chí Forbes đăng tải bài viết với tiêu đề “Liệu lệnh cấm vận dầu của Nga có thể thúc đẩy thế giới hướng tới năng lượng tái tạo?” Bài viết nhận định, lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga của Tổng thống Mỹ Joe Biden không chỉ nhằm gây sức ép lên nền kinh tế Nga, mà còn là một quyết định gây chú ý đối với sự phát triển của các nguồn năng lượng tái tạo đối với các quốc gia phụ thuộc năng lượng vào Nga. Theo bài viết, Mỹ và các quốc gia Liên minh châu Âu có thể giảm bớt sự phụ thuộc của mình, bằng cách chủ động chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo. Theo đó, các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió có thể là những yếu tố thay đổi cuộc chơi. 

Dẫn số liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), bài viết dự báo vào năm 2026, năng lượng tái tạo sẽ chiếm tới 95% trong việc tăng công suất điện toàn cầu. Theo đó, các chính sách mạnh mẽ hơn và ưu tiên theo đuổi các mục tiêu khí hậu chính là động lực thúc đẩy sự gia tăng các nguồn năng lượng tái tạo.

Phân tích sâu hơn về vấn đề này, bài viết trên trang mạng tờ Politico cho biết, trong tuần này, Ủy ban châu Âu đã đưa ra một gói các biện pháp ứng phó khẩn cấp nhằm với nguy cơ thiếu hụt năng lượng trong tương lai. Theo đó, Thỏa thuận Xanh của EU sẽ có một mục đích mới, không chỉ để chống lại biến đổi khí hậu, mà còn giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào khí dốt của Nga. 

Bài viết dẫn lời Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, “sự thúc đẩy tập trung của Thỏa thuận Xanh Châu Âu” được xem như một “khoản đầu tư chiến lược vào sự độc lập” của châu Âu. Các nhà lãnh đạo châu Âu dự kiến sẽ sớm "loại bỏ" việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga bằng cách đẩy nhanh một số khía cạnh của Thỏa thuận Xanh và đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt mới, thông qua việc thúc đẩy nhanh chóng năng lượng tái tạo và các biện pháp cắt giảm sử dụng năng lượng. Tuy nhiên, cũng trong bài viết, các nhà lãnh đạo châu Âu đang phải đối mặt với thực tế chính trị khó khăn, khi cố gắng thuyết phục cử tri tăng mức chi tiêu công cho quá trình chuyển đổi năng lượng ngay giữa thời điểm giá năng lượng kỷ lục. 

Bùi Thảo