Những điểm cần phải làm để phục hồi và phát triển kinh tế xã hội

Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, những nỗ lực về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh được kỳ vọng là những giải pháp phi tài chính hiệu quả, có tính bền vững. Đây sẽ là những trợ lực hữu hiệu cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Đây là thông tin được đưa ra tại Tọa đàm “Nghị quyết số 02 của Chính phủ: Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”

Theo các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp đã chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid 19 và họ đang rất cần một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, an toàn hơn, giảm thiểu mọi chi phí để phục hồi, mở rộng đầu tư kinh doanh. Do vậy, việc triển khai nghị quyết 02 của Chính phủ cần được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nhiệm vụ được giao có liên quan về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ông NGUYỄN VĂN THÂN, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam: "Doanh nghiệp đang rất trông chờ vào việc cải cách thủ tục hành chính. Đây là một rào cản mà từ khóa trước đến khóa này chúng ta đang làm được rất tốt, tuy nhiên vẫn chưa hết, mà thủ tục hành chính thì không chỉ đơn giản là bằng ý chí mà phải bằng trí tuệ, khoa học mới có thể cải cách được. Bởi việc cải cách từ cái cũ sang cái mới phải có phương pháp mà những điều này Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ đã đi rất đúng, rất trúng vấn đề để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Các chuyên gia cho rằng, để thực sự cải thiện môi trường kinh doanh, các bộ, ngành có liên quan khi ban hành văn bản pháp luật mới hay sửa đổi, bổ sung văn bản hiện có cũng không đặt thêm các rào cản, không được đi ngược lại những cải cách đã làm trong thời gian qua; đồng thời, cần giải quyết ngay theo thẩm quyền các vấn đề, sửa đổi ngay các quy định đang gây khó khăn, tốn kém cho đầu tư, kinh doanh.

Ông TRẦN NGỌC ĐÔNG, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: "Chúng tôi cho rằng hiện quan điểm của Chính phủ là hết sức quyết liệt, đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh thông qua việc tiếp tục cải cách cách thể chế, pháp luật, chính sách theo tinh thần là tiếp tục giảm tối đa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân và tăng cường phân cấp phân quyền cho người dân gắn với cơ chế giám sát kiểm tra có hiệu quả. Về phía bộ máy Chính phủ Bộ, ngành, tôi tin rằng sẽ thực hiện theo tinh thần chỉ đạo chung của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cải cách đi vào thực chất.” 

Nghị quyết 02 của Chính phủ chú trọng cải thiện các yếu tố của môi trường kinh doanh theo hướng giảm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp; dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động dầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật; tiếp tục thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu; đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số đồng bộ với cải cách hành chính, đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho địa phương kiểm tra, giám sát./. 

Nguyễn Duyên