Cần 10.770 tỷ đồng để đầu tư thông tuyến đường Hồ Chí Minh

Tại Phiên họp thứ 9, cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ việc tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện việc đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh và kế hoạch triển khai dự án giai đoạn tiếp theo, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc không hoàn thành Nghị quyết của Quốc hội đúng thời hạn.

Thảo luận tại phiên họp, một số thành viên UBTV Quốc hội cho rằng sau việc chậm tiến độ dự án đường Hồ Chí Minh nguyên nhân là  do công tác lập kế hoạch nhu cầu vốn và phân bổ kế hoạch vốn chưa phù hợp với tiến độ thực hiện dự án và nhu cầu vốn thực tế của dự án; một số dự án BOT, BT chưa được quản lý phù hợp, không khả thi về phương án tài chính, khó khăn huy động vốn; một số dự án phải dừng, giãn, điều chỉnh đã làm kéo dài thời gian hoàn thành….Do đó, các đại biểu đề nghị, Chính phủ cần có những nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để triển khai dự án đảm bảo đúng yêu cầu.

Ông HOÀNG THANH TÙNG, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật: “Giai đoạn tiếp theo chính phủ cần có báo cáo đề xuất đầu tư cho những đoạn tuyến tiếp theo, vốn ra sao, hình thức thế nào, tiến độ tn để qh giám sát…những đoạn tuyến còn lại đầu tư bằng cách nào? Tôi chưa hình dung được? vốn ở đâu phải cân đối? đề nghị báo cáo rõ hơn…” 

Tiếp thu giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết tiến độ tuyến đường Hồ Chí Minh thực hiện chậm, nguyên nhân chủ yếu vẫn là vốn và khả năng rà soát để cân đối nguồn vốn, cũng như huy động đầu tư tư nhân rất khó, “sau khi cân đo đong đếm thấy không được”. 

Ông NGUYỄN VĂN THỂ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: “Trong đó, trước năm 2016, chúng ta đã thực hiện rất tốt nhưng sau đó do khủng hoảng kinh tế, chúng ta ban hành nghị quyết để kiềm chế lạm phát. Do đó, một số dự án phải dừng lại, đầu tư ít hơn vì kinh tế khó khăn chung của đất nước khiến các dự án giao thông bị ảnh hưởng. "

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 cũng chỉ mới cân đối được 11.791 tỉ đồng, vẫn còn thiếu 10.770 tỉ đồng để đầu tư 3 dự án còn lại. Chính vì vậy, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép sớm sử dụng 10% nguồn vốn dự phòng để đầu tư 3 dự án, trước mắt ưu tiên 2 dự án trên với tổng mức 5.570 tỉ đồng. Ngoài ra, Chính phủ cũng mong muốn chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án trong giai đoạn tiếp theo thuộc đoạn Đoan Hùng - Chợ Bến sang hình thức đầu tư công./.